Từ hôm ấy, Hồ Á Kiền tự liệu không thể tiếp tục theo học trên Thiếu
Lâm tự cho hết khóa, nên ngày ngày tính kế trốn về nhà.
Hiềm một nỗi suốt ngày đêm, sự canh phòng, do các tăng đồ lãnh trách
nhiệm, rất cẩn mật khó bề đi thoát. Nguyên từ ngày người Mãn mở mang
bờ cõi vào chiếm đóng Trung Nguyên, dựng nên triều Mãn Thanh, dân Hán
uất ức theo học võ nghệ rất đông, các Sư trưởng Thiếu Lâm sợ người Mãn
phái nội bọn cải trang vào Chùa giả theo học để quấy phá, nên từ cuối đời
Thuận Trị, Sư trưởng bỏ tiền ra xây các vọng lầu canh phòng ở mấy nơi
hiểm yếu dẫn vào Tung Sơn.
Theo luật lệ nhà Chùa, người nào được Sư trưởng chánh thức nhận cho
theo học, trước khi khởi công luyện tập đều được Nội đồ cao cấp hướng
dẫn cho quan sát khắp vùng Thiếu Thất sơn, để khả dĩ có một ý niệm về
khu vực mà môn đồ đó sẽ trú ngụ trong nhiều năm trời.
Trong thời kỳ tòng học, không một Ngoại đồ nào được nhân lúc nhàn rỗi,
xin phép hay tự ý xuống núi hay rong chơi quanh sườn núi, ngoại trừ những
buổi được Sư trưởng hay vị Trưởng tràng dẫn xuống Lộng Nguyệt hồ hay
Lạc Nhạn đầm học thủy công, là các môn đồ được ra khỏi bức trường thành
Thiếu Lâm tự.
Trong dãy Tung Sơn có ngọn núi cao nhất hiểm trở vô cùng tên, là Thiếu
Thất sơn, cao một ngàn bốn trăm trượng.
Thiệt ra, dân hai huyện Đăng Phong, Tân Mật ít khi được trông thấy đỉnh
ngọn Thái Thất sơn.
Hầu hết suốt tháng, quanh năm, mây tụ dày đặc bao phủ lấy ngọn núi ấy,
hết đợt nọ tới đợt kia không mấy khi tan hẳn.
Tuy vậy, cũng có một đôi khi - và chỉ trong khoảnh khắc - trời quang
xanh ngắt, gió lộng Tây Phương thổi bạt những đợt mây thường trực ấy rời
khỏi đỉnh ngọn Thái Dương qua hướng Đông, đỉnh núi lộ hẳn ra xanh biếc
rõ rệt giữa khoảng không trong vắt.
Dân chúng hai huyện lân cận không khỏi líu ríu gọi nhau rủ xem, coi đó
là một kỳ tượng hãn hữu.