thạch động ăn sâu vào lòng núi. Đạt Ma khám phá ra thạch động ấy và tu
luyện tạm tại đó trong mười năm trời trước khi kiến thiết chùa Thiếu Lâm.
Cũng trong thời gian ấy, người môn đồ đầu tiên của Đạt Ma là Triệu
Khuông Dẫn thành lập Đế nghiệp.
Nguyên khi đã học đầy đủ bài Hồng quyền, Triệu Khuông Dẫn liền chu
du thiên hạ giao kết anh hùng, nổi danh với tài sử dụng ba mươi hai thế
quyền, cước đặc sắc ấy. Khí thế nhà Đường đã suy, Khuông Dẫn lập nên
nghiệp đế khởi đầu kỷ nguyên nhà Tống tự xưng Thái Tổ.
Bài Hồng quyền do Tống Thái Tổ sử dụng được anh hùng thiên hạ
chuyển danh là Thái Tổ Quyền. Đạt Ma tới thăm, Tống Thái Tổ nhớ ơn sư
phụ bèn cung cấp đủ thứ để Đại sư xây dựng Thiếu Lâm tự theo bản đồ mới
do Đại sư họa thành.
Dư tiền tài, Đạt Ma đích thân đốc thúc thợ thuyền đủ các ngành khởi
công xây dựng Thiếu Lâm tự. Trong thời kỳ hơn mười năm trước, Đạt Ma
lấy giống một thứ cây bên Tây Tạng gọi là Thiết Mộc về trồng ở Thiếu
Thất sơn. Tới khi khởi công xây dựng chùa mới, thì giống Thiết Mộc đã
cao lớn um tùm mọc thành rừng khắp chung quanh Thiếu Thất.
Thiết Mộc rắn như sắt, bền bỉ không sợ mối, mọt. Những phần nào bằng
gỗ trong công cuộc xây dựng, Đạt Ma đều dùng toàn thứ gỗ quý ấy cả.
Ròng rã mười năm trời, Đại sư hoàn thành chùa Thiếu Lâm theo ý muốn
của Người. Các thứ cây vô dụng mọc ở Thái Thất sơn đều bị phá bỏ, thay
thế bằng Thiết Mộc và đại thông. Đường lên núi được sang sửa, những
khúc khó khăn đều được xây thành bực dành cho khách bộ hành.
Trong chùa, các Phật tượng hoàn toàn bằng gỗ trầm hương. Đại sư đúc
năm chiếc chuông đủ cỡ lớn, nhỏ. Chiếc lớn nhất cao một trượng rưỡi,
nặng dư ba ngàn cân vừa đồng vừa vàng, treo trên Tam quan. Sức nặng ấy
được trục treo lên một cây xà ngang bằng cả một cây Thiết Mộc lớn hai ôm
trên lầu nhì Tam quan.
Mỗi khi đánh chuông, hai vị tăng lực lưỡng dùng chầy Thiết Mộc treo
bằng thừng lên xà nhà, đưa đầu chày bọc da vào mắt chuông, tiếng đồng
ngân vang, dân hai huyện Đăng Phong, Tân Mật đều nghe rõ.