Tây Khương hợp tác, chắc sẽ còn nhiều dũng sĩ nữa tham dự vụ Tô Châu
Quần Hùng, Hoàng đại ca nên nhấn mạnh về điểm đó với lệnh sư.
Đàm luận đến nhá nhem tối, Song hiệp cáo từ ra về, hẹn ngày tái ngộ.
Hai người thủng thẳng ra đến khu vực an tịnh, qua các phố vào đến khu
đông đảo.
Mai Nương rủ Tử Long :
- Bọn Lý Tiểu Hoàn trọ ở Thanh Thiên lầu đông quá, ta đi tìm tửu quán
dùng bữa cho tiện.
Tử Long đồng ý. Lúc đó mọi nhà đã lên đèn. Khu thương mại ăn chơi
của thị thành Quảng đèn thắp sáng trưng, kẻ qua người lại quá tấp nập, trà
đình, tửu quán đông nghẹt, tiếng đờn ca sênh phách xuất phát từ các tửu lầu
văng vẳng từ khắp mọi nơi.
Cam Tử Long chỉ một tửu lầu rộng rãi, sạch sẽ ở phía bên kia đường :
- Vào tửu lầu kia dùng bữa cho lạ miệng, sư muội có đồng ý không?
Mai Nương ngước mắt đọc mấy hàng chữ viết trên mặt kính chiếc đèn
lồng lớn treo trước cửa tiệm, đoạn nói :
- A! Tửu lầu này của người Mãn Châu và do đầu bếp Mãn chuyên nấu
các món ăn hoàn toàn kiểu Mãn. Có lẽ dành riêng cho người Mãn Châu
chăng, sư huynh?
- Đâu có thế! Sư muội quên không đọc tấm biển dựa ngay đầu quầy hàng
sao? “Thỉnh quý khách thập phương”. Nếu dành riêng cho Mãn tộc chắc
tửu lầu này chẳng tránh nổi việc dân chúng tẩy chay.
Quả thế, trong tửu lầu thực khách Mãn, Hán lẫn lộn, nhưng người Mãn
đông hơn.
Một tri khách viên tóc dóc, y phục bảnh bao, thấy hai người có vẻ chú ý
đến tiệm của y, liền qua đường niềm nở mời :
- Thỉnh nhị vị vào Cát Lâm tửu lầu. Bổn tiệm nấu toàn món ăn đặc biệt
theo lối Cát Lâm, nhị vị dùng qua sẽ rất vừa ý.
Song hiệp nhận ra y là người Mãn Châu mà nói tiếng Quảng khá thông
thạo.
Cam Tử Long gật đầu cùng Lã Mai Nương vào tiệm lên thẳng trên lầu
bày trí rất trang nhã.