-Vô chơi.
Viên cảnh sát ghé tai tôi:
-Em dại lắm. Dẫn nó vô xóm lao động lỡ bị Việt cộng ám sát thì em sẽ
tù rục xương.
Nhưng Bayle vẫn đến. Anh ta có thể ăn bất cứ món gì mà người Việt
ăn được, nhất là những đặc sản Bình Định như chim mía, nem Chợ Huyện,
mắm cua…
Trần Quang Long và Bayle không biết nhau, không thù nhau, không
thân nhau. Còn tôi thì thân cả hai người.
Long dụ tôi theo Việt cộng. Rồi cùng Long tổ chức những cuộc biểu
tình rộng lớn chưa từng có tại Qui Nhơn vào mùa Hè năm 1966.
Long là một anh chàng cộng sản rất quậy. Tôi cũng quậy. Chơi xả láng
với cảnh sát, với dùi cui ma trắc, lựu đạn cay và nhà tù. Còn Bayle thì
không biết gì cả nhưng anh ta đã chết ngay trên đường phố. Long bị đánh
gãy chân còn tôi bị tống ra đảo Phước Lý cùng với một thằng bạn có tên là
Dã Nhân.
Bayle chết không thù hận. Hồn nhiên như đứa trẻ. Tôi nhớ những
ngón tay của anh ta thon dài tái nhợt trên nền xi măng lấm lem. Đó là
những ngón tay tài hoa từng cùng tôi đánh thức dòng nhạc trữ tình của
Tarrega mà anh ta rất thích. Lúc Bayle chết, tôi và Trần Quang Long đang
nằm trong quân y viện Qui Nhơn, bệnh viện của những người lính Sài Gòn.
Bayle chết cùng ngày với một ông già Việt Nam.
Đó là cha của Dã Nhân.
°