Hoàng Thoại Châu…nâng cấp bản tin Tuổi Trẻ thành một tờ tuần báo. Anh
Võ Ngọc An làm tổng biên tập đầu tiên.
Ngay trong những ngày đầu giải phóng tôi đã hiểu ra một sự thật mà
trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới. Đó là: làm cách mạng cũng là một cái
nghề, muốn thành công trong nghề (có nghĩa là sau này làm quan lớn) thì
phải có tham vọng chính trị. Muốn thực hiện tham vọng ấy thì phải nổi
tiếng. Muốn nổi tiếng thì phải có “thương hiệu”. Trong các phong trào quần
chúng đô thị Miền Nam thời đó thì thương hiệu chính là các chức danh
“chủ tịch” “tổng thư ký” “nhạc sĩ”…và phải làm cho nổi đình nổi đám
được lãnh đạo biết tới thì sau này mới chắc ăn.
Còn những anh bộ đội, những chị du kích, giao liên, những bà mẹ Việt
Nam anh hùng, những kẻ mơ mộng, lãng mạn, triết lý… dở hơi như tôi,
như Tám Nhân, như Lữ Phương, như Trần Quang Long… thì cũng chỉ là
những chiến sĩ vô danh mà thôi.
Khi đã ngộ ra điều đó tôi thấy lòng thanh thản.
Là một nhà báo tôi đi rất nhiều. Những ngày đầu giải phóng tôi lặn lội
vào các bưng biền, vào đồng hoang cỏ cháy, vào rừng sâu nước độc…cùng
với anh em thanh niên xung phong… và tôi đã viết cả trăm bài báo. Cũng
có lúc tôi đi “vô sản hóa” tại nhà máy Sinco, làm thợ máy (khà! khà! Giống
hệt đồng chí Nguyễn Văn Cừ đi vô sản hóa ở mỏ than Quảng Ninh!) Anh
em công nhân ở đó dạy cho tôi đứng máy tiện.
Năm 1979 tôi theo đoàn quân giải phóng sang Campuchia.