LỜI MỞ ĐẦU
Ở mặt trái của tờ giấy bạc một đô la có hình một kim tự tháp chưa hoàn tất,
trên đỉnh có một con mắt sáng long lanh, lấy từ mặt trái đã bị quên lãng của đại
huy hiệu Hiệp Chủng Quốc và do Tổng thống Roosevelt cho đặt lên tờ đô la vào
năm 1935, giữa cuộc đại khủng hoảng khi mà sự giàu có của Hoa Kỳ đang giảm
mạnh. Kim tự tháp được sử dụng làm biểu tượng cho sức mạnh và sự trường tồn
kinh tế và chính đặc điểm chưa hoàn tất cũng nhằm biểu hiện cho sự giàu có ở
Hoa Kỳ ngày càng tăng. Người Mỹ cần đặt hy vọng vào một nền kinh tế đang sụp
đổ sẽ được thay thế bằng một nền kinh tế sẽ tồn tại mãi mãi, những ngày tốt đẹp
nhất đối với Hoa Kỳ đang ở phía trước, không phải ở sau lưng. Một câu ghi bằng
tiếng La tinh (Annuit Coeptis) cho dân Hoa Kỳ biết rằng Thượng đế ủng hộ công
việc của họ. Một câu thứ hai (Novos Ordo Seclorum) tiên đoán một trật tự giàu
có mới của Hoa Kỳ. Như vậy, trong những ngày đen tối nhất về mặt kinh tế,
người Mỹ vừa mượn biểu tượng thành công bền vững của nhân loại, vừa cầu
nguyện Thượng đế hỗ trợ. Đằng sau con mắt long lanh, một biểu tượng của sự
hướng dẫn thiêng liêng, là chóp chưa hoàn tất của kim tự tháp cần phải xây dựng.
Người Mỹ có thể nhìn thấy cần phải làm gì để gặt hái thành công. Họ cần phải
khẳng định mình là những người kiến tạo.
Ngày nay, người châu Á nhìn thấy thế giới cũng giống như người Mỹ thấy vào
những năm 1930. Sự phát triển kinh tế nhanh đã bị phá vỡ. Sự giàu có của cá
nhân, của doanh nghiệp và của xã hội nhanh chóng biến mất. Thị trường chứng
khoán của Indonesia giảm trên 80%. Điều mà mới đó tưởng chừng như một sức
mạnh kinh tế không gì ngăn chặn nổi và sẽ khống chế thế kỷ 21 lại giống như
một sự đổ vỡ vĩnh viễn. Sự phát triển kinh tế có vẻ vững như đá bây giờ lại như
băng tuyết đang tan chảy.
Mô hình tăng trưởng kinh tế châu Á bằng con đường xuất khẩu đã đem hy
vọng lại cho hầu hết thế giới thứ ba là sẽ thu ngắn cách biệt kinh tế với các nước
đã phát triển, nay đang tả tơi. Những nước thành công đã sụp đổ. Sự tan rã tài
chính châu Á đe dọa nền tảng thành công tại các nước trong thế giới thứ ba như
Brasil. Vốn và công nghệ từ các nước thuộc thế giới thứ nhất đổ vào nay lại ra đi
và các nhà dự báo đánh giá thấp viễn cảnh kinh tế trong tương lai. Con đường cũ
đã bế tắc, đâu là con đường đúng để tích tụ giàu có?