mức cao nhất và được đào tạo tốt hơn Hoa Kỳ ở mức thấp nhất. So với bất kỳ
nhóm nào có tầm vóc tương đương thuộc phần còn lại của thế giới thì nó được
đào tạo tốt nhất. Châu Âu là một lục địa giàu vốn con người. Thế thì tại sao châu
Âu lại là một kẻ chậm chân khi bước vào lãnh vực tạo sự giàu có?
Không một nơi nào tốt hơn châu Âu để chơi trò toàn cầu hóa mới. Châu Âu đã
có hơn 40 năm lịch sử vận động để tiến đến hợp nhất kinh tế. Thị trường chung
châu Âu mở rộng thêm cho nhiều thành viên và tiến sâu hơn cùng với sự đồng bộ
hóa hệ thống luật lệ của nó. Nó đã học cách làm việc xuyên ranh giới, ngôn ngữ
và văn hóa quốc gia. Châu Âu có một động lực hỗ trợ mà không nơi nào trên thế
giới so sánh được. Một bước tiến quan trọng là đã đưa vào sử dụng đồng Euro.
Thực hiện một bước nhảy vọt từ một nền kinh tế quốc gia sang kinh tế toàn cầu
sẽ khó khăn như phần còn lại của thế giới đang cố gắng làm hơn là thực hiện
bước nhảy hai giai đoạn, bước thứ nhất là hợp nhất kinh tế khu vực, bước thứ hai
là toàn cầu hóa kinh tế như châu Âu đang làm.
Tổng sản phẩm nội địa tính theo mãi lực tương đồng (PPP) của châu Âu ngang
bằng với Hoa Kỳ và gần như gấp ba lần Nhật Bản. Cả hai đối thủ cạnh tranh công
nghiệp lớn nhất của châu Âu cũng đang có nhiều yếu điểm.
Nhật Bản không thể tập hợp được một khu vực thương mại mà họ là trung tâm.
Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) họp bàn nhưng
không thể quyết định gì cả. Những khác biệt về mức độ phát triển và tầm vóc quá
lớn đã làm cho các quốc gia trong vành đai Thái Bình Dương không thể đạt được
một nghị trình chung, sự hòa hợp về luật lệ hoặc chia xẻ vấn đề làm quyết định.
Khi có những sự việc cụ thể để cùng thực hiện thì sự đồng thuận sẽ không thể có
và không có một quyền lực nào có thể bắt buộc các thành viên phải hành động.
Ngay cả trong trường hợp APEC có quyền lực quyết định, thì Nhật Bản sẽ phải
chia xẻ quyền lợi và sự lãnh đạo với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Hệ thống kinh tế của Nhật bị kẹt cứng, không thể đối phó được với những hậu
quả của các vấn đề kinh tế tồi tệ. Hơn nữa, chính người Nhật cũng thừa nhận,
nước Nhật đang có vấn đề về sự sáng tạo. Họ cần chứng minh khả năng đột phá
về công nghệ để hướng tới những công nghiệp mới trong tương lai. Cho đến khi
họ chứng tỏ được khả năng này, thì nước Nhật vẫn mãi mãi chơi trò rượt đuổi và
không bao giờ là người lãnh đạo kinh tế của thế giới.