tôi muốn được như Isaacson, đối mặt với công việc mỗi tuần và cố hết sức
để làm việc sâu nhất có thể. Ví dụ, để viết cuốn sách này, tôi đã phải tận
dụng thời gian rảnh bất cứ khi nào có thể. Khi bọn trẻ đã say giấc, tôi sẽ vớ
lấy chiếc laptop và nhốt mình trong phòng làm việc ở nhà. Nếu vợ tôi muốn
đến thăm bố mẹ cô ấy ở Annapolis gần đó nhân dịp cuối tuần, tôi sẽ tận
dụng việc có thêm người chăm con để kiếm một góc yên tĩnh trong nhà
ngồi viết. Nếu có một cuộc họp công ty bị hủy bỏ, hay một buổi chiều rảnh
việc, tôi có thể quay lại một trong những thư viện yêu thích trong khuôn
viên trường để tập trung viết nhiều hơn. Và cứ thế cứ thế.
Phải thừa nhận rằng tôi không hoàn toàn chỉ áp dụng triết lý nhà báo.
Chẳng hạn, tôi không đưa ra quyết định làm việc sâu trong chốc lát. Thay
vào đó, ngay từ đầu tuần, tôi đã xác định thời điểm sẽ làm việc sâu trong
tuần, rồi xem xét lại những quyết định này từ đầu ngày, nếu cần (hãy xem
Quy tắc số 4 để biết thêm chi tiết về thói quen lập kế hoạch của tôi). Bằng
cách giảm thiểu nhu cầu đưa ra quyết định về thời điểm làm việc sâu, tôi có
thể giữ lại nhiều năng lượng để tư duy sâu.
Nhìn chung, triết lý nhà báo trong lập kế hoạch làm việc sâu rất khó thực
hiện. Nhưng nếu bạn tự tin vào giá trị của những gì bạn đang cố gắng tạo
dựng, và thực hiện việc đó bằng kỹ năng tập trung sâu (loại kỹ năng chúng
ta sẽ tiếp tục rèn luyện trong các chiến lược tiếp theo), bạn có thể hoàn
thành khối lượng lớn công việc chuyên sâu kể cả khi phải đối mặt với một
lịch trình khắt khe.
Quá trình nghi thức hóa
Khi nhắc tới những người lao động trí óc, chúng ta thường quên mất một
điều rằng họ hiếm khi cẩu thả trong thói quen làm việc. Hãy cùng xem xét
trường hợp của Robert Caro, nhà viết tiểu sử từng giành giải Pulitzer. Theo
một ấn bản tạp chí năm 2009: “Từng ngóc ngách nhỏ trong văn phòng [của
Caro] tại New York đều được sắp xếp theo trật tự.” Nơi đặt sách, cách sắp
xếp sổ ghi chép, đồ đạc treo trên tường, thậm chí trang phục mặc tới văn