phòng: Mọi thứ đều được chỉ định theo thói quen rất hiếm khi thay đổi
trong suốt sự nghiệp lâu dài của Caro. Lý giải cho việc đó, ông nói: “Tôi đã
tự rèn luyện để trở thành một người có tổ chức.”
Charles Darwin cũng có cách làm chặt chẽ tương tự đối với công việc trong
thời gian ông hoàn thành cuốn On the Origin of Species (tạm dịch: Nguồn
gốc của muôn loài). Theo lời kể của Francis, con trai ông, cứ đến 7 giờ
sáng, ông sẽ dậy để đi bộ một quãng ngắn. Sau đó, Darwin ăn sáng một
mình và bắt tay vào nghiên cứu từ 8 giờ đến 9 giờ rưỡi. Ông dành một giờ
tiếp theo để đọc thư được gửi đến từ hôm trước, sau đó, ông sẽ quay lại
nghiên cứu từ 10 giờ rưỡi cho đến trưa. Sau khi xong việc, ông sẽ nghiền
ngẫm những ý tưởng đầy thách thức trong lúc rảo bước trên con đường bỏ
hoang chạy dài quanh khu nhà ông. Ông cứ đi như vậy cho đến khi hài lòng
với suy nghĩ của mình rồi mới chịu kết thúc một ngày làm việc.
Nhà báo Mason Currey, người đã dành nửa thập kỷ để tìm hiểu về thói
quen của các nhà tư tưởng và nhà văn nổi tiếng, tóm tắt xu hướng hệ thống
hóa này như sau:
Có một quan điểm phổ biến cho rằng các nghệ sĩ luôn làm việc theo cảm
hứng – họ biết phải tìm một cú đánh thức tỉnh, một tia chớp hay bong bóng
sáng tạo ở đâu... nhưng tôi hy vọng [công việc của tôi] có thể chứng minh
được rằng chờ đợi cảm hứng xuất hiện là một kế hoạch tồi tệ. Trên thực tế,
có lẽ lời khuyên tốt nhất tôi có thể đưa ra cho bất kỳ ai đang cố gắng thực
hiện những công việc liên quan tới sáng tạo là hãy bỏ qua cảm hứng.
Trong một chuyên mục trên tờ New York Times bàn về chủ đề này, David
Brooks đã tóm tắt thực tế này một cách thẳng thừng hơn: “[Những bộ óc
sáng tạo tuyệt vời] sẽ tư duy như một nghệ sĩ và làm việc như một kế toán
viên.”
Chiến lược này gợi nhắc nhiều điều: Để tận dụng tối đa các phiên làm việc
sâu, hãy tạo ra các nghi thức chặt chẽ và mang phong thái riêng của những