nhà tư tưởng lớn đã được đề cập trước đó. Sự bắt chước này có lý do riêng.
Những bộ óc vĩ đại như Caro và Darwin sẽ không thực hiện những nghi
thức kỳ quặc; thành công trong công việc của họ phụ thuộc vào khả năng
chuyên sâu, lặp đi lặp lại – không có cách nào để giành được giải Pulitzer
hay hình thành một lý thuyết lớn mà lại không đẩy bộ não đến giới hạn.
Nghi thức giúp họ giảm thiểu các chướng ngại trong quá trình chuyển sang
chế độ chuyên sâu, tạo điều kiện cho họ dễ dàng tập trung sâu và duy trì
trạng thái này lâu hơn. Nếu họ cứ ngồi chờ cảm hứng xuất hiện mới làm
việc nghiêm túc, thì thành tích của họ sẽ giảm đi rất nhiều.
Không có nghi thức làm việc sâu đúng đắn nào – sự phù hợp phụ thuộc vào
cả người thực hiện và kiểu kế hoạch người đó theo đuổi. Nhưng bất kỳ nghi
thức hiệu quả nào cũng phải trả lời được những câu hỏi sau:
Bạn sẽ làm việc ở đâu và trong bao lâu? Bạn cần có một vị trí quen
thuộc để làm việc sâu. Vị trí này có thể là văn phòng làm việc, hãy
khép cửa lại và không để người khác đến làm phiền bạn (một đồng
nghiệp của tôi thích đặt biển báo “Xin đừng làm phiền” ngoài cửa văn
phòng khi anh ấy đang giải quyết một vấn đề hóc búa). Nếu có thể xác
định được vị trí chỉ được sử dụng riêng cho làm việc sâu – ví dụ như
phòng họp hoặc thư viện yên tĩnh – thì kết quả thu được có thể tích
cực hơn nhiều. Dù làm việc ở đâu, hãy chắc rằng bạn luôn dành riêng
một khung thời gian cụ thể để duy trì mục đích tập trung sâu của
mình.
Cách bạn sẽ làm việc sau khi bắt tay vào công việc. Nghi thức cần các
quy tắc và quy trình để biến những nỗ lực thực hiện thói quen này
thành khuôn khổ. Ví dụ, bạn có thể tự ban lệnh cấm sử dụng Internet
hoặc duy trì một chuẩn mực như cứ 20 phút phải viết được bao nhiêu
từ để mài giũa sự tập trung của mình. Nếu không có khuôn khổ này,
bạn sẽ phải đấu tranh tư tưởng giữa những gì nên và không nên làm
trong thời gian chuyên sâu và tiếp tục cố gắng đánh giá xem bạn có