Hai chương đầu tiên của Phần 1 rất thực dụng. Chúng dẫn chứng rằng làm
việc sâu ngày càng trở nên có giá trị trong nền kinh tế hiện đại, đồng thời
nó cũng đang dần trở nên hiếm gặp hơn (vì những lý do khách quan). Điều
này thể hiện sự bất cân xứng kinh điển: Nếu trau dồi kỹ năng làm việc sâu,
bạn sẽ phát triển mạnh chuyên môn.
Ngược lại, chương cuối cùng lại thêm vào một chút thảo luận thực tế về sự
thăng tiến ở chốn công sở, và những tư tưởng trước đó hẳn sẽ rất cần thiết
để giúp bạn có thể tiến xa hơn. Phần tới sẽ mô tả quá trình nghiêm ngặt
nhằm định hướng công việc của bạn hướng đến chiều sâu. Đây là quá trình
chuyển đổi khó khăn, song hành với những nỗ lực đó là các lập luận thực
dụng và lý trí có thể thúc đẩy bạn đến một điểm nhất định. Cuối cùng, mục
tiêu bạn theo đuổi cần phải được lan tỏa hơn nữa. Chương này lập luận
rằng khi nói đến việc tập trung vào chiều sâu, sự cộng hưởng là điều không
thể tránh khỏi. Dù bạn tiếp cận hoạt động có chiều sâu từ quan điểm của
khoa học thần kinh, tâm lý học hay triết học cao cả, thì những hướng đi này
dường như luôn dẫn đến mối liên hệ giữa chiều sâu và ý nghĩa, cũng giống
như loài người chúng ta đã tiến hóa thành một loài vừa chú trọng tới chiều
sâu lại vừa đắm chìm trong sự hời hợt và trở thành giống loài mà chúng ta
gọi là Homo sapiens deepensis.
Trước đó, tôi đã trích dẫn câu nói của Winifred Gallagher, một tín đồ của
chiều sâu: “Tôi sẽ sống một cuộc sống thật tập trung, bởi đó là cuộc sống
tuyệt nhất.” Câu nói này có lẽ là cách hay nhất để tổng kết lập luận của
chương này cũng như cả Phần 1 theo cái nhìn rộng hơn: Dù bạn có nhìn
nhận vấn đề theo cách nào đi nữa, thì cuộc sống chuyên sâu vẫn là một
cuộc sống tốt đẹp.