Khu vườn của Nhượng Tống
Năm 1940, đúng mười lăm năm sau khi Song An Hoàng Ngọc Phách cho
xuất bản Tố Tâm, Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân in Lan Hữu ở nhà xuất
bản Lê Cường, Hà Nội, với "Lời tựa" của Lưu Trọng Lư. Giờ đây nhìn lại,
ta chỉ có thể kinh ngạc khi thấy hai cuốn tiểu thuyết gần nhau đến thế về
nhiều mặt lại có số phận khác nhau đến vậy.
Cách tồn tại của Nhượng Tống ở trong hậu thế rất giống một nhà văn lớn
khác cùng thời: Khái Hưng. Sau này cả hai vẫn sẽ được biết đến, nhưng chủ
yếu là theo lối phiến diện. Văn nghiệp của Nhượng Tống thường chỉ được
nhìn nhận qua các bản dịch (những bản dịch tuyệt vời như Nam Hoa kinh,
Thơ Đỗ Phủ, Mái Tây tức Tây sương ký... nhưng cả ở mảng này người ta
cũng ít biết Nhượng Tống còn dịch Ngọc Lê Hồn một cách trác tuyệt, chưa
kể nhiều dịch phẩm khác nữa), trong khi ông còn là một nhà thơ, một tiểu
thuyết gia tài năng, về phần Khái Hưng người ta chỉ biết đến Hồn bướm
mơ tiên hay Nửa chừng xuân và một số tác phẩm khác, trong khi Băn
khoăn, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, in năm 1943
, mới thực sự là
một kiệt tác. Rất có thể, toàn bộ mảng văn xuôi đồ sộ của văn chương tiền
chiến Việt Nam chỉ có ba tiểu thuyết thực sự lớn, là Tố Tâm, Lan Hữu và
Băn khoăn. Trong bộ ba ấy, chỉ mình Tố Tâm có được số phận tương đối
xứng đáng với giá trị của mình.
Nhưng lịch sử văn chương là câu chuyện của các giá trị, nếu không thì ta sẽ
không có lịch sử văn chương. Cả Tố Tâm, Lan Hữu và Băn khoăn đều là
những câu chuyện tình. Tố Tâm đã quá nổi tiếng với cốt truyện bi thảm của
nó, Lan Hữu là cái nhìn đầy thương xót nhưng không kém phần tỉnh táo
của một người trưởng thành nhớ lại mối tình xưa, còn Băn khoăn, với
những câu chuyện tình ái lắt léo của nó, là cuốn tiểu thuyết Việt Nam xứng
đáng nhất, và rất có thể cũng là duy nhất, của một giai đoạn suy đồi.
Một cuốn tiểu thuyết được coi là lớn, là "giá trị" một cách toàn diện nhất,
khi bên trong nó chứa đựng những điều kỳ diệu, giống như hạt mầm giấu
kín ở đâu đó, sẽ hồi sinh và nảy nở mãnh liệt khi gặp được môi trường phù