Lan Hữu cũng có lúc ông ám chỉ chuyện này: "đày tôi ra Côn Đảo ba năm,
tôi không sợ bằng đày tôi cửa chùa Thiên Trù suốt ba tháng hội") và tiếp
theo là những năm dài bị quản thúc ở quê, định kỳ phải ra Phủ Lý trình diện
mật thám. Nhượng Tống còn viết báo thêm vài năm từ sau 1945, ở các tờ
như Chính nghĩa, Thời sự... ông mất năm 1949 ở Hà Nội.
(Trong các tài liệu tra cứu phổ biến nhất hiện nay, ta thường đọc ở tiểu sử
Nhượng Tống hai chi tiết: sinh năm 1897 và được thả từ Côn Đảo về năm
1936; hai chi tiết này đều sai, vì Nhượng Tống tuổi Bính Ngọ, sinh năm
1906 và sau các sự kiện của Việt Nam Quốc dân đảng, Nhượng Tống được
thả khỏi Côn Đảo trước 1936 nhiều, bởi trước đó mấy năm ông đã lấy vợ ở
quê nhà Ý Yên; các chi tiết này hiện nay đều còn lại văn bản để kiểm
chứng)
Trong Lan Hữu, Nhượng Tống buộc lòng phải giấu đi nhiều chi tiết để
tránh kiểm duyệt của chính quyền (thế nhưng vẫn bị kiểm duyệt bỏ thêm
nhiều chỗ). Chí khí cách mạng của ông có lẽ thể hiện đậm nét hơn cả trong
Lan Hữu ở đoạn luận thơ với cha và bác (người bác thích Lý Bạch, người
cha nhiều phẫn uất lại thích Lục Du); khi được hỏi, cậu bé Ngọc nhận là
mình thích nhất thơ Đỗ Phủ, bởi: thơ ấy gồm "biết bao nhiêu bài tả những
cảnh huống khổ nhục của đám dân nghèo. Mỗi khi con đọc, lại thấy như có
đám người khố rách, áo ôm ấy kêu khóc ở bên tai, mà trong lòng thì uất ức
muốn đứng phắt dậy... Thơ như thế mới thật là 'khả dĩ hưng, khả dĩ quan,
khả dĩ quần, khả dĩ oán'." Câu chuyện này cũng được Nhượng Tống kể lại
bằng thơ, bài thơ ấy dùng làm lời tựa cho bản dịch Thơ Đỗ Phủ in năm
1944, sau Lan Hữu bốn năm; đoạn đầu của bài thơ như sau:
Tôi biết đọc thơ từ thuở nhỏ
Trong thơ thích riêng thơ Đỗ Phủ.
Một hôm thầy tôi hỏi: "Tại sao?"
Đứng dậy chắp tay tôi sẽ ngỏ
Rằng: "Tại thơ ông là đời ông:
Lạ, đẹp, hùng tráng mọi vẻ đủ,