hợp và xứng đáng. Tố Tâm đã có một số phận như vậy, và giờ đã đến lúc
chúng ta cần trả về đúng vị trí một tác phẩm khác, không kém phần kỳ diệu
- Lan Hữu của Nhượng Tống. Đến nay, ngoài lần ra mắt năm 1940, nó mới
chỉ tái xuất một lần duy nhất, tại nhà xuất bản Á Châu (Hà Nội) đầu thập
niên 50, vài năm sau khi Nhượng Tống qua đời.
Lan Hữu có thể được đọc trên ba phương diện: vì nó thuật lại rất trung thực
một quãng đời tác giả, đây chính là một tài liệu quan trọng góp cho việc tìm
hiểu tiểu sử Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, một tiểu sử mới chỉ được biết
đến sơ sài, với rất nhiều chi tiết nhầm lẫn. Vì gia cảnh, Nhượng Tống phải
bỏ học rất sớm vào năm mười tám tuổi, sau khi thân phụ qua đời (người cha
bất đắc chí, tuy từng là "thủ khoa thành Nam", nhưng giữa một thời kỳ lịch
sử u tối, đã chán chường mà chết: cái chết này được thuật lại rất cặn kẽ
trong Lan Hữu). Vụ việc liên quan đến mấy mẫu đất gây thiệt hại lớn cho
gia đình Nhượng Tống cũng được kể lại trong Lan Hữu. Đặc biệt, tác giả
viết rất chuẩn xác về dòng dõi của mình: "nối dõi cái mạch thư hương của
nhà tôi, truyền từ đời Lê cho đến bấy giờ". Nhượng Tống thuộc một gia
đình rất thành đạt về học vấn suốt nhiều thế hệ, tiền nhân của ông từng là
thầy dạy hai nhân vật lớn của "thành Nam" là Nguyễn Khuyến và Trần Bích
San.
Nhượng Tống bộc lộ tài năng văn chương rất sớm, mười sáu tuổi đã có bài
đăng trên Khai Hóa (tờ báo của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi), đúng như
trong Lan Hữu có kể. Sự nghiệp báo chí của Nhượng Tống còn dài: vài
năm sau Khai Hóa là đến giai đoạn cộng tác với tờ Thực nghiệp dân báo
với yếu nhân Mai Du Lân; ngay sau đó, ông cùng vài người bạn lập ra Nam
Đồng thư xã, in một số sách, tài liệu. Nhượng Tống là thành viên sáng lập
của Việt Nam Quốc dân đảng, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc
Nguyễn Thái Học; vì được Nguyễn Thái Học giao nhiệm vụ ở Huế năm
1929 rồi bị mật thám Pháp bắt nên Nhượng Tống tình cờ mà thoát khỏi
chuỗi án tử hình đẫm máu của thực dân đầu thập niên 30, trong đó chấn
động hơn cả là "vụ Yên Bái", khi những người đồng chí thân thiết của ông
như Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính bỏ mình dưới lưỡi dao máy chém.
Thoát chết nhưng Nhượng Tống phải chịu cảnh tù đày ở Côn Đảo (trong