Mặt trời mới mọc, các lán thi sáng trưng, tuyệt đại đa số thí sinh đều
đang viết nháp, có người viết được vài chữ liền ngồi cắn bút suy nghĩ khổ
sở, có người nhìn ngang liếc dọc để tìm gợi ý, có người lại đưa mắt nịnh bợ
hoặc bàn tán xầm xì với người ngồi bên cạnh. Miễn là không phải mang
theo tài liệu quay cóp thì các thư sứ trông thi cũng không quản quá nghiêm
khắc, nhiều nhất chỉ nhắc nhở vài câu:
- Không được châu đầu ghé tai v. v….
Trương Nguyên không vội viết, hắn viết văn cũng không có thói quen
viết nháp, từ xưa tới giờ đều là nghĩ sẵn trong đầu, hắn tì hai khuỷu tay lên
bàn, bàn tay chống lên trán, bắt đầu phá đề, thừa đề trên bài thi. Lão nho
đồng râu tóc hoa râm ngồi cạnh Trương Nguyên cũng không động bút
giống như hắn, nhưng mắt nhìn tới nhìn lui, nhìn tới khi viên thư sử coi thi
đi vào hậu trường, lão liền dùng một tay nhấc cái khiên mực nặng trịch lên,
một tay sờ vào đáy nghiên, ánh sáng vàng lóa lên, trong lòng bàn tay lão
xuất hiện một tờ giấy vàng nhỏ, trên tấm giấy vàng lá đó viết dày đặc
những hàng chữ nhỏ xíu, tờ giấy tuy nhỏ nhưng với những hàng chữ nhỏ
xíu như vậy, hơn nữa lại viết cả hai mặt thì cũng có thể viết hết được bài
bát cổ văn khoảng ba bốn trăm chữ.
Lão nho đồng tóc bạc này mắt hơi kém, tờ giấy vàng không thể đưa vào
gần để xem được, lão bèn thò tay đặt dưới háng, người cố ngồi thẳng, cố
vươn dài cổ ra để mắt cách xa tờ giấy vàng kia. Nhìn được một lát lão
chuyển nhét tờ giấy xuống dưới tất trong giày, rồi lại sờ vào đáy nghiên
mực, lại lôi ra một tờ giấy vàng, cũng viết đặc kín những hàng chữ nhỏ xíu,
lão nhìn qua rồi lại nhét xuống dưới giày. Bên phải lão là Trương Nguyên,
bên trái lão là một thư sinh trẻ tuổi, gã thư sinh trẻ tuổi nhanh chóng phát
hiện ra lão nho đồng đang quay cóp, liền ‘a’ nhẹ một tiếng. Lão nho đồng
lập tức chắp tay thi lễ với gã, tay lại chỉ chỉ vào mái tóc hoa râm của mình,
ý là xin gã thanh niên thương tình, chớ có tố giác.