quen gọi Thủ trưởng Tiền, nhưng sau lưng họ gọi ông ta là sếp;
một vị khác là nhân viên trinh sát kì cựu, ông ta họ Lữ, làm công
tác tuyên huấn bí mật ở Nam Kinh, mọi người gọi ông là “Khoai
Lang”, bởi hồi xưa ông hoạt động ngầm. Hai vị đều là nhân vật
cách mạng gạo cội gắn mác “Giải phóng”, khoảng trên dưới 60
tuổi, ở đơn vị 701 họ được coi là những hạt giống còn sót lại.
Thời gian sau đó, quan hệ giữa tôi và hai người đồng hương
ngày thêm sâu sắc, khiến tôi dần dần trở thành khách đặc biệt
của đơn vị 701, có thể tự do lên núi dạo chơi.
Núi ấy tên là núi Ngũ Chỉ, chỉ cần nghe tên là đã có thể hình
dung ra cấu tạo của nó, giống như năm ngón tay của một bàn
tay xoè trên mặt đất. Tất nhiên nó có bốn thung lũng. Thung
lũng thứ nhất gần phố huyện, cách chừng hai, ba cây số, ra khỏi
thung lũng là có thể đến cửa ngõ phố huyện, một phố núi dựa
vào lưng núi. Thung lũng này cũng rộng nhất, khu gia đình cán
bộ nhân viên đơn vị 701 đều sống ở thung lũng này, ở đấy có
bệnh viện, trường học, cửa hàng, quán ăn, nhà khách, sân vận
động, đầy đủ giống như một xã hội thu nhỏ, người trong đó
cũng tương đối phức tạp, ra vào không có gì khó khăn. Vì để viết
cuốn sách này nên tôi thường xuyên đến đây, mỗi lần đến đều ở
nhà khách mấy hôm, chỉ sau vài lần người ở đây đã quen mặt, vì
tôi đeo kính đen (từ năm 23 tuổi mắt bên phải của tôi bị chứng
nhạy cảm với ánh sáng mạnh, dưới ánh sáng ban ngày vẫn phải
đeo kính đen để bảo vệ mắt), mọi người gọi tôi là phóng viên
kính đen.
Những thung lũng tiếp theo càng thu hẹp dần, ra vào những nơi
ấy cũng khó hơn. Tôi có may mắn ba lần vào thung lũng thứ hai,
hai lần vào thung lũng thứ ba, thung lũng thứ tư trong cùng thì
chưa được vào lần nào. Nghe nói, đấy là địa bàn của Cục Giải mã,
cũng là nơi tuyệt mật trong toàn bộ dãy núi này. Cục Hành động
nằm bên phải thung lũng thứ hai, bên trái là Trung tâm huấn