St. Paul’s - tình cờ lại là ngôi trường danh giá bậc nhất ở Myanmar -
nhận xét Tin Win là một học sinh vô cùng ưu tú. Ai cũng đoán rồi đây
tiền đồ của Tin Win sẽ rất xán lạn. Thầy hiệu trưởng còn nghĩ sau tốt
nghiệp, trong một năm cậu dư sức được nhận vào bất cứ trường đại
học nào ở Anh và chắc chắn sẽ có học bổng. Sau này, đất nước sẽ rất
cần đến những nhân tài như cậu.
U Saw mát lòng mát dạ, có điều chiến tranh ở châu Âu khiến ông lo
ngay ngáy. Chiến sự sắp leo thang. Quân Nhật ngày càng bành trướng
ở châu Á, và chỉ trong mấy tháng, hoặc có lẽ vài tuần, họ sẽ tấn công
chính phủ thực dân Anh. Nếu thế, quân Anh liệu cầm cự trước quân
Đức được bao lâu ở châu Âu? Đối với ông, việc quốc kì Đức phấp
phới trên đỉnh tháp Big Ben chỉ còn là vấn đề thời gian. Kỉ nguyên mà
London là kinh đô thế giới đang tiến dần đến hồi kết.
U Saw ấp ủ những dự định khác.
Tin Win vẫn nghĩ, lúc tàu hơi nước chở khách xuất hành là thời
khắc đầy màu sắc lễ hội. Nhân viên trên tàu vận đồng phục trắng.
Nhạc. Cờ đuôi nheo và băng rôn tung bay. Thuyền trưởng có khi còn
phát biểu vài lời. Nhưng không, các thủy thủ chỉ lướt qua cậu trong
trang phục lấm lem dầu mỡ. Không có ban nhạc nào. Cũng chẳng cờ
bướm hay pháo giấy. Cậu tựa lan can nhìn xuống cảng. Khuất dưới
bóng kho hàng có xe ngựa cùng vài chiếc xích lô, các bác tài đang thiu
thiu ngủ. Ván cầu đã nhấc lên từ lâu. Đằng trước tàu, vài người đàn
ông mặc đồng phục thuộc ban quản lý cảng vẫn tản mát chực chờ.
Người nhà hành khách dõi theo thân tàu đen sì và vẫy tay lia lịa,
nghểnh cổ như đàn chim non. Tin Win chẳng thấy ai quen. Vâng lệnh
U Saw, Hla Taw ở nhà chứ không tháp tùng. Tài xế đưa Tin Win ra
cảng. Hai phu khuân vác xách va li lên tàu cho cậu. Họ cũng đã rời đi
từ lâu.
Đêm hôm trước, cậu và U Saw ăn tối xong thì chú đưa cậu giấy tờ
lên đường. Hộ chiếu kèm thị thực nhập cảnh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Một vé đi Liverpool, vé thứ hai vượt Đại Tây Dương. Lá thư gửi đối