tác kinh doanh của ông, một nhà nhập khẩu gạo người Ấn ở New
York, đây sẽ là người coi sóc Tin Win trong vài tháng đầu. Phong bì
đựng tiền. Thêm một lần nữa, ông giải thích tường tận việc ông muốn
cậu thực hiện. Ít nhất sáu lá thư một năm kèm báo cáo cụ thể. Tấm
bằng cử nhân. Tốt nghiệp loại ưu. Rồi ông lại ca bài ca tương lai chờ
đợi ngày cậu trở về. Cậu sẽ ngồi vào ghế quản lý, sau lên tầm đối tác.
Cậu sẽ nằm trong số những người có tầm ảnh hưởng nhất thành phố.
Cậu sẽ có tất cả.
U Saw cầu chúc cậu mã đáo thành công. Thượng lộ bình an, học
hành tấn tới. Đoạn ông quay đi và bước về phòng đọc. Không một tiếp
xúc da thịt giữa hai chú cháu. Họ không bao giờ gặp lại.
Nhìn theo ông, Tin Win tự hỏi phải tốn bao lâu cây con mới đâm
sâu rễ sau khi bị bứng đi nơi khác. Vài tháng? Một năm? Hai năm? Ba
năm? Sống ở Rangoon đã hai năm mà bấy lâu nay, cậu luôn thấy lạc
lõng. Cậu vẫn là người lạ trong thành phố này. Cây có thể bị gió dữ
kéo bật gốc cuốn đi.
Trên trường, giáo viên nể cậu vì những thành tích cậu đạt được. Bạn
bè cùng trang lứa quý cậu ở tính sẵn sàng giúp đỡ. Song cậu không có
tri kỉ. Chẳng ai níu chân Tin Win ở Rangoon này.
Cậu phóng tầm mắt nhìn hải cảng và thành phố. Xa xa, ngọn tháp
vàng của Chùa Shwedagon lấp lánh dưới ánh tà dương. Trời xanh,
không gợn mây. Mấy tuần trước ngày khởi hành, Tin Win dành ra
nhiều đêm liền lang thang khắp phố. Dọc đường, cậu lượm lặt biết bao
lời đồn đại quét qua thành phố như đàn châu chấu trên đồng. Mỗi
giọng nói thầm thì ở một quầy bán đồ ăn lại cho cậu mẩu tin mới. Như
thể người ta chẳng sống nhờ thứ gì khác. Cơn bão thế kỉ ở vịnh Bengal
đang dần mạnh lên. Một con hổ đã bơi qua vịnh và ăn thịt gia đình
năm người cùng con heo cảnh. Song bản thân chuyện này chưa đủ bi
kịch, bởi hơn hết thảy, đây chính là điềm báo sắp có động đất, điều mà
ai cũng biết, kể cả những kẻ chẳng mấy tin vào bói toán. Tin tức cho
hay tàu chiến của Đức đang phong tỏa các cảng Anh Quốc, chưa hết,