khập khiễng, đôi lúc co hẳn một chân lên, bắt đầu nhẹ nhàng rón bước đi
xuống. Chúng tôi đưa cô đi thận trọng như mang một báu vật. Mà thực vậy,
đó là một báu vật sống, bám đầy bụi đất đỏ miền Krưm, báu vật sống này e
thẹn, với đôi mắt bối rối màu xanh lá cây. Có lẽ tôi đã nghĩ một cách hơi
văn hoa rằng mỗi mẩu đất mà đôi chân nhỏ bé đi dép của cô đặt xuống phải
là một mẩu đất quý báu đối với chúng tôi, những ông già. Mẩu đất ấm áp ấy
đã được tuổi trẻ chạm tới. Tuổi trẻ là cái duy nhất, vì nó chúng ta đã sống
và làm việc trong rất nhiều những năm gian khổ và đôi khi không xứng với
cô ta. Liệu thanh niên có biết đến điều đó không? Tôi nghĩ. Liệu cô gái này
có biết đến điều đó không? Cuộc sống sẽ mất hầu hết ý nghĩa, nếu như tuổi
trẻ không biết đến công việc của những thế hệ trước mình.
Và cô gái hình như cũng đoán ra tôi nghĩ gì. Đặt lại cánh tay trên vai
tôi, cô khe khẽ chạm lòng bàn tay cô vào má tôi, và trong sự cọ sát vô tình
ấy tự nhiên tôi cảm thấy niềm âu yếm. Mà có thể đó chỉ là tôi cảm thấy như
vậy thôi, chuyện đó thường xảy đến với tôi. Tôi nhớ đến những câu thơ của
Lugốpxkôi. “Tôi cần một giấc ngủ trượt sâu, tôi cần một tiết tấu cao
tần…”
Hẳn là trong đó ẩn náu sự sáng suốt chân chính của những nguyện vọng
cuộc sống hàng ngày. Tôi nghĩ. Nó đấy, giấc mơ trượt sâu màu xanh da trời
của những khoảng không, sự dao động của bóng tối mỏng manh trên biển
cả bao la, cái rung rinh nhè nhẹ khó nhận ra của ngôi sao đầu tiên bên trên
những ngọn núi. Tôi trỏ cho cô gái và nhà văn già nhìn ngôi sao, và chính
tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại nói:
- Hẳn đó chính là cái ngôi sao mà ánh sáng của nó đã mạ bạc những
thung lũng mùa xuân.
Nhà văn già trả lời tôi một cách đơn giản:
- Tôi thích sống!