Thằng Út đọc ở góc trái đầu phong bì:
- Người gởi: Trần Văn Tiên, Quảng Trị.
Lão Thân bỗng run lập cập. Giọng lão xúc động:
- Thằng Tiên… thằng Tiên hả?
- Ai vậy ông?
- Thằng Tiên… Cháu không nhớ sao? Thằng con của ông…
Thằng Út cũng la lên, vui lây. Lão Thân giật cái thư, tay run run cầm đưa ngang
lên tầm mắt nhập nhèm. Hàng chữ mờ mờ trước mắt lão. Lão nhớ rằng mình đã
làm mất cặp kính từ hồi nào. Lão chẳng thấy chữ gì rõ ràng. Lão chỉ thấy những
hàng chữ mực xanh thân yêu của thằng con lão. Ngắm đã, lão đưa cái thư cho
thằng Út:
- Đâu cháu đọc giùm ông, coi nó viết cái gì đó.
Rồi trong khi thằng Út xé phong bì, lão cứ lẩm bẩm:
- Chao ơi! Thằng Tiên… thằng con của tôi….
- “Kính thưa ba má,
“Con xin ba má tha tội cho con, vì mấy năm nay con không viết thư thăm ba
má. Con thật có lỗi với ba má biết bao nhiêu. Nhưng để con sẽ nói lý do sau.
Điều trước hết con muốn biết là ba má ở trong Sài Gòn có bình an và mạnh
khỏe không. Ba giờ còn đi làm không? Còn má nhận nuôi con nít có khá
không?...”
Lão Thân ngắt lời:
- Tội nghiệp thằng con tôi! Nó vẫn không hay biết gì. Nó đâu có biết má nó
chết, ba nó ăn nhờ ở tạm như vầy. Khổ chưa! Mấy năm rồi chứ!... Đâu, đọc tiếp
coi Út!
- “Kính thưa ba má, về phần con cũng rắc rối lắm! Sở dĩ mấy lâu nay con không
có tin gì cho ba má là bởi vì ngoài xứ mình đánh nhau liên miên. Nhà của bác
cháy rụi cả. Bác đem các anh các chị và con di tản vào Quảng Nam, rồi Quảng
Ngãi. Ở đâu cũng không yên. Con phải lo lắng việc nhà cửa với bác, phần phải
chạy nay đây mai đó nên con không liên lạc được gì với ba má. Nhiều lúc con
cầm viết lên sắp viết thì phải buông xuống mà chạy tránh đạn. Khổ lắm ba má
ạ.”
- Tội nghiệp con tôi chưa!
- “Chạy mãi mà cũng không yên, bác lại quyết định về lại làng. Ngày về chẳng