Vài lời thưa trước
Về cuốn Lão tử – Đạo Đức kinh (LT-ĐĐK), trong bộ Hồi kí (Nxb Văn học –
1993), cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết:
“Chúng ta đã có vài ba bản dịch Đạo đức kinh rồi.
Tôi góp thêm một bản dịch nữa, với một phần giới thiệu khoảng 100 trang về
học thuyết của Lão tử.
Theo các học giả Trung Hoa gần đây, cho rằng Lão sinh sau Khổng, Mặc,
trước Mạnh; và bộ Đạo đức kinh xuất hiện sau Luận ngữ, vào thế kỉ thứ IV
hay thứ III, trước Tây lịch, do môn sinh của Lão tử chép lại lời thầy; tuy có
khoảng mười chương của người đời sau thêm vào nhưng tư tưởng vẫn là
nhất trí.
Lão tử là triết gia đầu tiên của Trung Quốc luận về vũ trụ, có một quan niệm
tiến bộ, vô thần về bản nguyên của vũ trụ mà ông gọi là Đạo. Ông lại xét
tính cách và qui luật của Đạo, dùng những qui luật đó làm cơ sở cho đạo ở
đời và đạo trị nước, tức cho một nhân sinh quan và một chính trị quan mới
mẻ. Do đó mà học thuyết của ông hoàn chỉnh nhất, có hệ thống nhất thời
Tiên Tần.
Ông tặng cho hậu thế những tư tưởng bình đẳng, tự do, trọng hoà bình,
không tranh giành nhau mà khoan dung với nhau (dĩ đức báo oán), trở về tự
nhiên, sống thanh tịnh. Trở về tự nhiên theo ông không phải là trở về thời ăn
lông ở lỗ, sống bằng săn bắn và hái trái cây, mà trở về buổi đầu thời đại
nông nghiệp, thời bộ lạc, có tù trưởng nhưng tù trưởng cũng sống như mọi
người khác, không can thiệp vào đời sống của dân. Nước thì nhỏ mà dân ít;
các nước láng giềng trông thấy nhau, nghe được tiếng cho sủa, tiếng gà gáy
của nhau mà dân các nước không qua lại với nhau, có thuyền có xe mà