/codegym.vn/ - 7
● Bộ nhớ: Là một bảng mạch điện tử nhỏ bên trong máy tính. Chương trình chạy
trên máy tính sẽ được nạp vào bộ nhớ và chạy từ đó. Bộ nhớ được phân thành
hai loại là bộ nhớ sơ cấp và bộ nhớ thứ cấp. Bộ nhớ sơ cấp còn được gọi là
bộ nhớ chính. Chúng bao gồm RAM (Random Access Memory – Bộ nhớ Truy
xuất Ngẫu nhiên) hoặc ROM (Read-Only Memory – Bộ nhớ Chỉ đọc). Bộ nhớ
thứ cấp đề cập tới các bộ lưu trữ trong hoặc ngoài được sử dụng cho các dữ
liệu bền vững như đĩa mềm, ổ băng từ, đĩa quang (CD) hoặc ổ USB, v.v.
● Thiết bị đầu vào: Cho phép nhận dữ liệu và các chỉ thị từ người dùng hoặc từ
hệ thống máy tính khác. Chẳng hạn như: bàn phím, chuột, đầu đọc đĩa CD,
camera, màn hình cảm ứng, v.v.
● Thiết bị đầu ra: Cho phép hiển thị kết quả thực thi các mệnh lệnh. Chẳng hạn
như: màn hình, máy in, loa, máy chiếu, v.v.
3.3. Phần mềm
Phần mềm máy tính là tập hợp các chương trình máy tính và các dữ liệu có liên quan
để cung cấp cho máy tính các chỉ dẫn cần thiết về những gì mà nó phải thực hiện.
Trái ngược hẳn với phần cứng, phần mềm là một thứ vô hình, chúng ta không thể
chạm được vào nó. Bạn có thể liên tưởng rằng máy tính như một thực thể sống với
phần xác (đó là phần cứng) và phần hồn (đó là phần mềm). Với phần cứng, bạn có
thể lắp ráp thành một máy tính. Tuy nhiên, máy tính cần phải có phần mềm để thực
hiện các nhiệm vụ của mình.
Phần mềm máy tính có thể phân ra thành một số loại chính như phần mềm hệ thống,
phần mềm ứng dụng và phần mềm lập trình.
● Phần mềm hệ thống: là những phần mềm máy tính được thiết kế để vận hành
các thiết bị phần cứng và cung cấp, duy trì một nền tảng để chạy các phần
mềm ứng dụng. Chẳng hạn như: Hệ điều hành, phần mềm diệt vi-rút, phần
mềm quản lý mạng cho máy tính, v.v.
● Phần mềm ứng dụng (hoặc còn gọi tắt là ứng dụng): được thiết kế để giúp
người dùng thực hiện một hay nhiều các công việc cụ thể nào đó. Ví dụ như
các phần mềm doanh nghiệp, phần mềm kế toán, bộ phần mềm văn phòng,
phần mềm xử lý ảnh và các phần mềm nghe nhạc, xem video, v.v.
● Phần mềm lập trình, những phần mềm này giúp các lập trình viên máy tính tạo
ra các phần mềm khác. Ví dụ như phần mềm để viết mã nguồn, phần mềm để
biên dịch, phần mềm để cài đặt, v.v.
3.4. Hệ điều hành
Hệ điều hành là một dạng phần mềm đặc biệt, trực tiếp được cài đặt lên các phần
cứng để điều khiển chúng, cung cấp môi trường để các phần mềm khác có thể hoạt
động, và đồng thời cũng cung cấp môi trường để người dùng tương tác với máy tính.