2
Hiểu về Các Hiện Tượng
Chúng ta không được bình an là do những nguyên nhân bên trong chúng ta.
Chúng có mặt những khi ta bị che mờ bởi những hiện tượng bên ngoài và bên
trong. Điều cần làm là luyện tập tâm có cách nhìn đúng đắn (chánh kiến). Chúng
ta không nhìn một cách đúng đắn, do vậy chúng ta đi lạc hướng khác, và do vậy
chúng ta cứ cảm giác mọi thứ là này là nọ, quá dài, quá ngắn, vầy tốt, vậy xấu,
hơi này, hơi nọ... “Đúng đắn” có nghĩa là nhìn thấy những bản chất vô thường,
khổ, và vô ngã bên trong mọi thứ chúng ta trải nghiệm, bên trong thân và tâm của
ta.
Mọi thứ chỉ là như vậy, chỉ là đúng như chúng là. Nhưng do chúng ta cứ
nghĩ nó như vầy, muốn nó như kia. Chúng ta nhìn mọi sự theo quan điểm (sai
lệch) của mình. Chúng ta tu hành để có thể giống như Phật, “người hiểu biết thế
giới”, và thế giới là những hiện tượng tồn tại như- chúng-là.
Khi những đối tượng của tâm khởi sinh, bên trong hay bên ngoài, chúng ta
gọi đó là những hiện tượng giác quan, đó là sự hoạt động của tâm. Cái ‘nhân vật’
ý thức về những hiện tượng đó thì được gọi là—ồ!, là gì cũng được; ta có thể tạm
gọi nó là “tâm”. Các hiện tượng là một thứ, cái người-biết về chúng là thứ khác.
Tâm là tâm, pháp là pháp. Giống như mắt nhìn và hình sắc mà nó nhìn thấy là hai
thứ khác nhau. Mắt không phải là những đối tượng, và những đối tượng không
phải là mắt. Tai nghe thấy âm thanh, nhưng tâm không phải là âm thanh và âm
thanh không phải là tai. Mỗi khi có sự tiếp xúc của hai thứ đó, những hiện tượng
xảy ra.
Thái độ của chúng ta đối với năm tập hợp uẩn (khandha) về sắc thân, cảm
giác, nhận thức, ý nghĩ, và tâm thức (sắc, thọ, tượng, hành, thức) là quan trọng.
Khi chúng ta nhìn những đống uẩn thân tâm này ngay đây, thái độ chúng ta nên là
chán-bỏ và lìa-bỏ năm uẩn, bởi vì chúng chẳng hề tồn tại theo những ý muốn của
ta. Theo tôi, làm được như vậy là đủ để tu hành. Khi thân và tâm
còn sống,
chúng ta không nên quá vui mừng đến mức quên mình. Khi chúng tan rã, chúng
ta cũng không nên quá tuyệt vọng. Nhận thức được như vậy là cũng đủ tốt rồi.