nền nhà thì không có chỗ nào để đứng, để trụ, hay để bám gì cả. Chúng ta có thể
đứng trên mái nhà hay trên nền nhà, nhưng không thể đứng ở giữa khoảng không.
Nơi mà không có chỗ để đứng hay bám trụ chính là nơi có sự trống không; và
Niết-bàn chính là chỗ trống-không này.
Mọi người nghe thấy điều này họ hơi ngại và lùi lại, họ không muốn đi tới.
Họ sợ rằng sẽ không còn gặp lại con cái, anh em, họ hàng của mình nữa. Bởi do
vậy, nên khi mọi người chúc phúc cho các Phật tử tại gia, tất cả đều muốn chúc
rằng: ''Chúc anh chị được sống thọ, được đẹp đẽ, sung sướng và mạnh giỏi''.
(Chúc vậy người ta mới vui; chứ chúc mau mau đi đến chỗ “trống-không” kia thì
họ bực tức, nghĩ là xui xẻo, hoặc nghĩ mình ác ý!). Đầu năm, cuối năm mà chúc
như vậy họ mừng lắm, nên cảm ơn lia lịa và đáp lại ''sādhu!'' (Lành thay!). Nếu
chúng ta nói gì gì về chỗ “trống- không” thì họ không muốn nghe đâu, họ đã
quen dính với những thứ mà họ cho là ‘chắc chắn, bất biến, bất diệt’ như cái mái
nhà và nền nhà kia.
Vì không hiểu nổi, họ làm như không biết. Bạn có bao giờ thấy một người
già sụ với một làn da tươi đẹp chưa? Bạn có bao giờ thấy một người già mà sức
mạnh như lực sĩ hoặc luôn luôn sung sướng chưa? Vậy đó, vậy mà họ cứ chúc
nhau là ''Sống thọ, đẹp đẽ, sung sướng và mạnh giỏi''. (Đã nhiều tuổi là phải già
đi, xấu đi, yếu đi và khổ sở với mọi tư thế, chứ sao sung sướng được!). Họ muốn
vậy chẳng khác nào những Bà-la-môn kia tu tập với mong cầu được chứng đắc
theo tham muốn mình vậy. Điều đó là không được.
Trong tu tập chúng ta không nên ép mình vào một ‘sở nguyện’ hay một
‘trách nhiệm’ nào cả, tức là chúng ta tu tập không phải là để phải đạt được hay
đạt đến điều gì. Chúng ta không muốn gì hết. Nếu chúng ta còn muốn thứ gì thì
thứ đó vẫn còn đâu đó mà, lo gì cho vội. Chỉ cần làm cho cái tâm bình an và làm
xong tốt việc tu tập. Nhưng ngay cả khi tôi nói đến như vầy quý vị cũng không
thấy thích, bởi vì quý vị vẫn còn muốn được “sinh” lại.
Tất cả những người tại gia nên gần gũi với các Tăng Ni để nhìn học cách tu
tập từ họ. Gần gũi Tăng Ni là gần gũi với Phật, là gần gũi với Giáo Pháp. Phật đã
nói: ''Này Ananda, phải tu tập nhiều, phải phát triển sự tu tập! Ai mà nhìn thấy
Giáo Pháp là thấy ta, và ai nhìn thấy ta là thấy Giáo Pháp''.
Mà Phật ở đâu? Chúng ta thường nghĩ rằng Phật đã mất rồi, nhưng thực ra
Phật chính là Giáo Pháp, là Sự Thật. Một số người thích nói rằng: ''Ồ, nếu tôi