thôi. Bề ngoài không dám nói, nhưng bên trong tôi nghĩ họ thực sự là những kẻ
ngu dại. ''Xuất gia đi tu thì khó, bỏ y hoàn tục thì quá dễ. Mấy người đó chắc
không có nhiều phước đức, họ nghĩ quay về sống đời thế tục sẽ hay hơn đi tu''.
Tôi nghĩ họ đã nghĩ như vậy, nhưng tôi chẳng dám nói gì, tôi chỉ lo quan sát cái
tâm mình.
Tôi đã nhìn thấy những tu sĩ cùng xuất gia đi tu với tôi đã lần lượt bỏ y hoàn
tục. Có người sau này ăn mạc chải chuốt quay lại chùa để khoe mình bây giờ
ngon lành ra sao. Tôi nhìn họ và nghĩ họ thật đúng điên khùng, nhưng họ nghĩ họ
trông đàng hoàng, khôn ngoan. Khi họ bỏ y giờ họ phải cố làm bộ này bộ nọ như
vậy... Tôi tự nghĩ cách họ suy nghĩ như vậy là sai lạc. Nhưng dù vậy tôi cũng
không nói ra, bởi bản thân tôi vẫn còn nhiều điều không chắc chắn. Tôi còn chưa
chắc niềm tin của tôi còn có được đến lúc nào đây.
Khi các bạn đồng tu của tôi bỏ ý hoàn tục, tôi cũng trút bỏ được hết mọi
quan tâm, chẳng còn ai để tôi quan tâm nữa. Tôi tìm quyển Giới Luật Tỳ Kheo
(Pātimokkha) để chú tâm vào học. Chẳng còn ai ở lại để làm tôi xao lãng và làm
phí thời giờ của tôi nữa, nên tôi đặt toàn tâm vào việc tu học. Tôi vẫn không dám
nói gì bởi tôi cảm thấy việc tu tập là chuyện cả một đời, có thể mất năm, sáu, bảy
hay thậm chí tám chục năm, và cảm thấy việc duy trì nỗ lực kiên định để không
lay chuyển và không bị thoái tâm... dường như là việc rất khó làm.
Ai đã quyết đi tu thì đi tới, ai bỏ y thì bỏ y. Tôi chỉ ngồi quan sát tất cả
những chuyện đó. Chỉ quan sát chứ không còn quan tâm hay lo gì. Tôi không còn
lo họ ở tu hay bỏ đi. Tôi nhìn các bạn tu bỏ đi, nhưng cảm giác trong tôi là những
người đó đã không nhìn rõ ràng, họ không biết nhìn. Vị đệ tử người phương Tây
của tôi có lẽ cũng nghĩ như vậy. Thầy ấy nhìn thấy người ta thụ giới thụ y thành
Tỳ kheo chỉ được một mùa Hạ rồi bỏ đi, nên thầy ấy thấy thất vọng.
Nhưng ai ngờ... sau này thầy ấy cũng đi tới giai đoạn mà chúng tôi hay gọi
là... ‘chán chường’, ...chán nản với Đời Sống Thánh Thiện trong thiền môn. Rồi
thầy ấy cũng bỏ bê việc tu và cuối cùng cũng bỏ y hoàn tục, như những người
trước đó...
''Sao thầy lại bỏ y? Trước kia khi thấy mấy người Thái bỏ ý, thầy nói ‘Chà,
thật đáng xấu hỗ! Đáng buồn quá, tội nghiệp quá'. Giờ tới phiên thầy cũng bỏ y,
vậy thầy có thấy đáng xấu hỗ, đáng buồn đáng tiếc cho mình không?''.