Người miêu tả trạng thái tâm như vậy là người chỉ muốn gợi ý để chúng ta
cảm nhận ít nhiều, và điều đó có thể giúp dẫn dắt chúng ta hiểu được sự thật. Ví
dụ, các hành vi tạo tác (sankhārā) mà chúng ta đã tích luỹ và mang theo kể từ lúc
mới sinh ra đến tận bây giờ, theo Đức Phật thì chúng không thực sự là ‘ta’ hay
‘của ta’. Tại sao Phật nói như vậy? Bởi đâu còn cách nào để miêu tả chính xác về
sự thật. Phật giảng giải theo cách đó để mọi người có thể nhận thức được phần
nào về sự thật, nhờ đó họ có thể tu tập đạt đến trí tuệ. Về điều này chúng ta cần
phải quán xét một cách kỹ càng mới nhìn thấy.
Nhiều người nghe câu nói ''Chẳng có gì là của ta'' thì họ nghĩ mình nên
quăng bỏ mọi thứ mình đang có. Nếu chỉ hiểu nông cạn thì mọi người sẽ tiếp tục
tranh luận chỗ phương tiện này là gì và làm sao để vận dụng nó. ''Đây không phải
là cái ta''—câu này không có nghĩa là chúng ta nên kết liễu sự sống của mình hay
quăng bỏ hết mọi tài sản của cải. Chỗ này có nghĩa là chúng ta nên từ bỏ tất cả
mọi ràng buộc dính chấp. Có hai mức độ sự thật, sự thật do quy ước (tục đế) và
sự thật tuyệt đối (chân đế): đó là sự giả định và sự giải thoát. Ở mức độ quy ước,
ông A, bà B, anh C, và vân vân. Chúng ta dùng những giả định để thuận tiện cho
việc giao tiếp trong đời sống. Phật không dạy chúng ta không nên dùng những
quy ước đó, nhưng Phật dạy chúng ta không nên dính chấp vào những quy ước
giả định đó. Chúng ta phải nhìn thấy những quy ước đó chỉ là giả định, chỉ là
trống rỗng; chúng không là cái gì cả, chỉ là do chúng ta giả định mà có.
Chỗ này hơi khó nói, khó hiểu.
Những người tu tập như chúng ta phải dựa vào sự tu tập và đạt đến sự hiểu
biết thông qua sự tu tập. Nếu chúng ta muốn đạt sự hiểu biết và tri kiến từ việc
học kinh sách và nhờ người khác dạy thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ thực sự hiểu
biết về sự thật. Sự thật là thứ ta có thể thấy và biết bằng cách tự thân tu tập. Phải
quay lại nhìn vào bên trong. Nhìn vào bên trong để hiểu biết chính mình. Đừng
cứ nhìn ra bên ngoài. Ai cũng biết là đừng nhìn ra bên ngoài, nhưng khi nói về tu
tập mọi người liền bàn cãi đúng sai đủ chuyện, chẳng ai lo hướng vào bên trong
chính mình. Tâm họ lúc nào cũng sẵn sàng tranh biện, bởi vì họ đã lỡ học lý
thuyết và muốn gắn lý thuyết vào thực hành theo cách họ đã học và dính chấp
theo một phía. Vậy đó, họ chỉ nghĩ suy và hiểu biết theo lý thuyết mà họ đã học
được, họ chưa nhận thấy sự thật bằng việc tự thân tu tập.