sư thầy, tôi mới bắt đầu có được thêm nhiều sự hiểu biết. Sự hiểu biết đó dẫn đến
nhiều trí tuệ và nhiều sự buông bỏ. Tiếp theo đó rất nhiều thứ liên tục diễn ra và
tôi học cách không nắm giữ hay dính chấp thứ gì, tôi học được cách liên tục
buông bỏ. Cách đó giúp tôi trở nên khéo léo và thuần thục hơn trước đó nhiều.
Khi có khổ xảy ra, không sao; tôi không thêm bớt gì cho nó, không trốn
chạy khỏi nó. Hồi đó trong thiền tập tôi chỉ có mong đạt đến sự tĩnh lặng. Tôi
nghĩ môi trường bên ngoài chỉ hữu ích bởi nó là một nhân giúp tôi tu tập đạt đến
sự tĩnh lặng. Tôi đã biết vậy nhưng lúc đó tôi vẫn chưa nói được câu chuẩn xác
rằng: chánh kiến là nhân để đạt đến sự tĩnh lặng.
Như tôi thường nói có hai dạng tĩnh lặng. Những bậc thánh trí ngày xưa
phân loại thành sự tĩnh lặng nhờ trí tuệ và sự tĩnh lặng nhờ thiền định. Trong sự
tĩnh lặng nhờ thiền định (samatha): mắt phải lánh xa cảnh sắc, tai phải lánh xa
âm thanh, mũi phải lánh xa mùi hương...Không thấy, không nghe, không biết...thì
người sẽ được tĩnh lặng. Loại tĩnh lặng này cũng tốt theo cách của nó. Nhưng loại
tĩnh lặng này có giá trị không? Có, nhưng nó chưa phải là tối thượng. Nó chỉ là
loại tĩnh lặng tạm thời. Nó không có nền tảng bền lâu. (Khi ra khỏi thiền định thì
nó không còn). Chẳng hạn, khi các giác quan tiếp xúc với các đối tượng khó chịu
thì sự tĩnh lặng đó thay đổi ngay, bởi vì nó không muốn những đối tượng đó có
mặt. Cho nên tâm lúc nào cũng cố chống chế với các đối tượng và do vậy trí tuệ
không khởi sinh (vì trí tuệ chỉ khởi sinh từ một cái tâm tĩnh lặng). Bởi lúc đó
người tu cảm thấy không được bình an vì những đối tượng và yếu tố bên ngoài.
(Cứ tránh né và trốn chạy hoài làm sao tâm được bình an và tĩnh lặng?)
Ngược lại, nếu chúng ta không trốn chạy nữa; thay vì vậy chúng ta nhìn
thẳng vào mọi thứ. Nhìn thẳng vào mọi thứ xảy ra chúng ta sẽ nhận ra sự thiếu
tĩnh lặng không phải là do các đối tượng trần cảnh bên ngoài, mà thiếu tĩnh lặng
là do cách nhìn cách nghĩ sai lầm của chúng ta. Tôi thường chỉ rõ cho các đệ tử
về lý chỗ này. Tôi thường nói họ như vầy: nếu ai muốn nỗ lực tu để đạt trạng thái
tĩnh lặng (đạt định) thì cứ đi tìm một nơi vắng lặng, lánh xa người, lánh xa cảnh
sắc và âm thanh...để không còn thứ gì quấy nhiễu mình nữa. Lúc đó tâm sẽ lắng
xuống và tĩnh lặng, sự tĩnh lặng có được là do không còn gì quấy nhiễu mình nữa.
Rồi sau đó hãy xem xét coi trạng thái tĩnh lặng đó có thực sự bền chắc hay
không. Rồi khi quý vị rời khỏi nơi lánh trần đó, các giác quan bắt đầu tiếp xúc
với nhiều thứ bên ngoài, lúc đó hãy xem xét coi mình cảm giác dễ chịu hoặc khó