Cách mọi người là muốn sống không muốn chết. Ai cũng vậy. Nhưng điều
đó có đúng không? Làm gì có chuyện đó, có sinh là có tử. Muốn như vậy chẳng
khác nào cứ đổ nước vô ly mà muốn nó không tràn. Sau khi sinh ra, ai cũng
muốn sống mãi, không muốn chết. Muốn vậy đâu đúng. Hãy suy xét về điều đó.
Nếu sinh ra mà không chết, điều đó có mang lại hạnh phúc không? Nếu ai cũng
sinh ra trên thế gian mà chẳng ai chết, chắc mọi thứ sẽ tệ hại hơn nhiều. Nếu
không ai chết, chắc chúng ta phải ăn chất thải của nhau chứ đâu đủ thức ăn để ăn!
Nếu không ai chết, có đủ chỗ cho tất cả mọi chúng sinh tự cổ chí kim ở trên trái
đất này không? Sao cứ muốn đổ nước vô ly mà không muốn nó tràn. Chúng ta
phải nhìn thấu suốt về điểm này. Chúng ta muốn sinh mà không muốn chết. Nếu
chúng ta không chết, chắc tất cả chúng ta là những người bất tử, là những pháp
vô sinh (amata-dhamma), như Phật đã từng nói. Các thầy có hiểu pháp vô sinh
(amata-dhamma) nghĩa là gì không?
Bất tử nghĩa là gì- dù ta chết, nếu có trí tuệ thì cũng như không chết. Không
chết, không sinh. Đó là nơi mọi thứ kết thúc. Sau khi sinh chỉ muốn được sống
hạnh phúc và hưởng thụ mà không chết, đó không phải là cách nhìn đúng đắn.
Nhưng mọi người cứ muốn như vậy, bởi vậy chẳng bao giờ kết thúc khổ đau.
Người tu tập theo Giáo Pháp thì không bị khổ. Nhưng, những người tu như
những Tỳ kheo hay nhà sư bình thường thì vẫn còn khổ, bởi họ vẫn chưa hoàn
thành con đường tu tập. Họ chưa chứng ngộ pháp vô sinh đó, nên họ vẫn còn
khổ. Họ vẫn còn chết.
Amata-dhamma là pháp vô sinh, là trạng thái bất tử. Chúng ta được sinh ra
từ bào thai, làm sao tránh chết được? Chỉ có cách tu tập để chứng ngộ sự thật vô
ngã thì mói có thể tránh chết được; ngoài ra không còn cách nào khác!. Cái ‘ta’
vẫn còn (cái ‘ta’ ảo tưởng đó chưa chết thì ta vẫn còn chết); những thứ hữu vi
(sankhāra) vẫn còn luôn biến đổi sinh diệt, vẫn còn biến đổi theo đường lối tự
nhiên.
Chỗ này khó nhìn thấy lắm. Người ta khó nghĩ ra chỗ này. Các thầy cần phải
thoát khỏi những thứ thế tục, giống như thầy Sumedho đã làm được. Các thầy cần
phải từ bỏ nhà cửa sung sướng và cái thế giới tân tiến. Giống như Phật đã làm
vậy. Nếu Phật vẫn ở lại cung điện thì Phật đâu thể thành Phật. Chỉ nhờ sự từ bỏ
và vô rừng tu tập thì Phật mới đạt đến sự giác ngộ đó. Đời sống hưởng thụ khoái
lạc trong cung điện không phải là con đường dẫn đến giác ngộ.