Quỳ chỉ tay về một góc của nhà kho, hỏi như vậy. Nơi đó có bày một
chiếc “Kiến cổ”
*
. Trong Lễ thư có viết: “Hạ hậu thị chi cổ túc, Ân doanh
cổ, Chu huyền cổ.” Có nghĩa là, thời Hạ thì trống nằm ngang trên giá có
chân; thời Thương thì trống đặt nghiêng, hai bên sườn trống có khe, để
xuyên trụ dựng đứng qua khe đó; thời Chu thì treo trống trên giá. “Kiến cổ”
tương đồng với cách làm của thời nhà Thương. Thứ trước mắt Quỳ chính là
như vậy, một cái trụ gỗ xuyên qua hai mặt trên và dưới của trống. Nhưng từ
trước đến nay, những chiếc “Kiến cổ” mà nàng từng thấy thường chỉ có hai
mặt trống để gõ, trong khi chiếc “Kiến cổ” này lại có tới tám mặt. Kể ra
cũng hơi khó tin, hai mặt trên và dưới của trống đều có hình bát giác, còn
tám mặt vuông góc với mặt đất thì có hình chữ nhật. Mặt trên và dưới đều
được làm bằng gỗ, lại bị một cái trụ xuyên qua nên không thể gõ được. Còn
tám mặt trống xung quanh lại được bọc da trâu, đều có thể gõ rất vang. Quỳ
thầm biết đây là “Lôi cổ” dùng trong lễ tế thần linh, song bản thân nàng
cũng chỉ từng nghe tả về hình dáng của loại trống này, tới giờ mới được
nhìn thấy tận mắt.
* Một loại trống, còn gọi là trống Tề, trống Tấn,... Là một loại nhạc cụ từng được sử dụng trong
cung đình. Phổ biến ở các chùa chiền tại Nội Mông Cổ, Liêu Ninh, Cát Lâm, Thanh Hải… và nhiều
khu vực lớn khác của dân tộc Hán.
“Lễ tế nào cũng dùng.” Lộ Thân đáp.
Quỳ lại chú ý tới vài món nhạc cụ có dây treo trên tường, lần lượt là đàn
cầm, đàn sắt và đàn tranh, tất cả đều chưa lên dây. Còn có cả sáo và khèn,
mỗi loại mấy chiếc. Nhìn hình dáng thì có thể thấy chúng đều là cổ vật lưu
truyền từ thời Chiến Quốc.
“Những nhạc cụ này đều do tổ tiên truyền lại sao?”
“Đúng vậy. Ngoài ra còn có vài món được cô mang đi Trường An rồi.”
“Ngươi biết cách chơi chúng không?”