đường ông trở về sau chiến dịch vận động giúp Hàn Quốc trở thành nước
chủ nhà của Thế vận hội Olympic mùa đông năm 2018.
Tham dự tại lễ khởi công dây chuyền sản xuất bán dẫn 16-line, ông cũng đã
nhấn mạnh về chiến lược kinh doanh tấn công này.
“Tình hình cạnh tranh hiện tại trên thế giới không rõ ràng và sự biến đổi về
điều kiện kinh doanh cũng được dự báo là ngày càng khó khăn, nhưng
chính trong thời kỳ này chúng ta mới phải tăng cường đầu tư hơn nữa,
tuyển thêm nhiều nhân lực hơn nữa và giành trước lấy cơ hội kinh doanh
toàn cầu. Có như thế tập đoàn chúng ta mới có cơ hội phát triển, đặc biệt là
đóng góp cho cả sự phát triển kinh tế của đất nước.”
Để xây dựng nên khu công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới, ngay trong
thời khắc bắt đầu lễ khởi công dây chuyền sản xuất bán dẫn 16-line tại khu
tổ hợp - thành phố công nghệ Samsung ở Hwaseong, Lee Kun Hee đã
không một chút do dự đưa ra chủ trương phải đẩy mạnh hơn nữa chiến lược
kinh doanh tấn công trong tương lai.
Phong cách kinh doanh của ông nếu nói tóm gọn trong một từ thì đó là
phong cách “kinh doanh tấn công”. Trong tất cả các hình thức kinh doanh
mà Lee Kun Hee đã cho chúng ta thấy thì hình thức kinh doanh tấn công
của ông không hề dễ bắt chước làm theo, hình thức này có thể tỏa sáng
ngay cả trong tình hình kinh tế toàn cầu đang bị đình trệ.
Có thể nói rằng Lee Kun Hee là một người xuất sắc trong việc tấn công và
đánh nhanh thắng nhanh. Hình ảnh của ông rất giống với các Samurai – võ
sĩ thời kỳ phong kiến Nhật Bản. Khi bước vào trận đấu, Samurai dù chỉ do
dự một giây thôi cũng có thể đối mặt với cái chết. Samurai phải nhanh hơn
bất cứ ai nếu muốn giành chiến thắng. Điều này chính là bản chất của chiến
thuật đánh nhanh thắng nhanh.