VII bắt đầu chính sách nhập khẩu những món hàng được đổi bằng vải len
(1489), khi Anh đã tự tin về khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất len
với các đối thủ khác, lệnh cấm xuất khẩu lông cừu mới hoàn toàn bị xóa bỏ.
Việc này cuối cùng đã làm cho những nhà sản xuất ở các nước Vùng
đất thấp phá sản hoàn toàn.
Theo phân tích của Defoe, ngoài chính sách nhập khẩu những món hàng
được đổi bằng vải len, dưới thời Elizabeth I, còn có nhiều nhân tố khác dẫn
đến những thành tựu trong ngành sản xuất len của Anh. Trong đó có những
nhân tố ngẫu nhiên, ví dụ như những người thợ dệt theo đạo Tin Lành từ
vùng Flanders nhập cư vào Anh sau cuộc chiến giành độc lập với Tây Ban
Nha vào năm 1567. Nhưng, cũng có những nhân tố do chính nước Anh tạo
ra. Để tìm kiếm các thị trường mới, nữ hoàng Elizabeth I đã cử các phái
viên thương mại tới gặp Giáo hoàng, các vị vua của Nga, Mogul và Ba Tư.
Những khoản đầu tư khổng lồ nhằm xây dựng siêu cường hải quân đã giúp
Anh thâm nhập được vào các thị trường mới, và sau đó là xâm chiếm và
giữ chúng như những thị trường bị cầm tù.
Rất khó xác định mức độ quan trọng tương đối của các nhân tố trên trong
việc giải thích thành tựu của ngành sản xuất len ở Anh. Nhưng, dường như
rõ ràng là nếu không có chiến lược khuyến khích ngành non trẻ do vua
Henry VII đặt ra, và sau này tiếp tục được những người kế vị theo đuổi, thì
có lẽ nước Anh sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, đạt được
những thành tựu bước đầu trong lĩnh vực công nghiệp hóa: nếu không có
ngành công nghiệp then chốt này, đóng góp ít nhất là 50% doanh thu xuất
khẩu của Anh trong suốt thế kỷ XVIII, cuộc Cách mạng Công nghiệp có lẽ
rất khó có thể xảy ra.
Những cải cách đối với Luật Thương mại năm 1721 do Robert Walpole –
vị thủ tướng đầu tiên của nước Anh, dưới triều George I (1714-1727) – đề
xuất đã đánh dấu sự chuyển hướng đầy kịch tính của nước Anh nhắm vào
các chính sách công nghiệp và thương mại.
Trước đó, các chính sách của Anh chủ yếu hướng tới thương mại mang
tính chiếm đoạt (quan trọng nhất là bằng những cuộc xâm lược và các điều