2.2.2. Mỹ
Như List đã chỉ ra (xem Chương 1), Anh là nước đầu tiên thành công
trong việc theo đuổi chính sách khuyến khích các ngành non trẻ. Nhưng,
nước áp dụng chính sách này triệt để nhất có lẽ lại là Mỹ – sử gia kinh tế
lỗi lạc Paul Bairoch từng gọi Mỹ là “quê hương và thành trì của chủ nghĩa
bảo hộ thời hiện đại”.
Trong sách báo thời nay, nhất là sách báo xuất phát từ Mỹ, ít người công
nhận điều này, thậm chí nhiều học giả am tường dường như cũng không ý
thức được. Vì vậy, không chỉ riêng sử gia kinh tế Clive Trebilcock, nhà
nghiên cứu có uy tín về cuộc Cách mạng Công nghiệp ở châu Âu, khi bình
luận về việc áp dụng hệ thống thuế khóa năm 1879 ở Đức, đã tuyên bố rằng
trên thế giới, thuế xuất nhập khẩu đang gia tăng, kể cả ở “nước Mỹ tự do
thương mại”.
Ngay cả khi người ta công nhận sự tồn tại của những mức thuế rất cao ấy
thì tầm quan trọng của chúng cũng bị hạ thấp một cách đáng kể. Ví dụ,
trong một bài tổng quan mà cho đến thời gian gần đây vẫn được coi là
chuẩn mực về lịch sử kinh tế Mỹ, North đã không coi thuế quan là một
nhân tố quan trọng trong việc lí giải sự phát triển của nền công nghiệp Mỹ.
Ông lập luận, (bằng cách trưng ra một nghiên cứu đầy định kiến của F
Taussig, năm 1892), “sau Nội chiến, mặc dù thuế xuất nhập khẩu ngày càng
mang tính bảo hộ, cũng chưa thể khẳng định được rằng chúng có ảnh
hưởng to lớn đến sự phát triển sản xuất ở Mỹ”.
Nhưng, nếu đọc lịch sử một cách cẩn thận hơn và không có định kiến thì
sẽ thấy rằng không thể đánh giá thấp vai trò của chính sách bảo hộ các
ngành non trẻ trong quá trình phát triển của Mỹ. Từ những ngày xâm lược
khu vực mà sau này trở thành nước Mỹ, chính sách bảo hộ các ngành nội
địa luôn là chủ đề chính trị gây nhiều tranh cãi. Ban đầu, nước Anh không
muốn tiến hành công nghiệp hóa các nước thuộc địa và đã áp dụng những
chính sách thích hợp nhằm tạo ra kết quả như thế (xem chi tiết ở mục 2.3).
Trong giai đoạn giành độc lập, các địa chủ ở miền Nam đều chống lại các