xu hướng tự do hóa thương mại (xem phần 3.2.3.B). Bất chấp những sức ép
từ bên ngoài, cho tới tận năm 1912, Hà Lan vẫn từ chối áp dụng trở lại Luật
về phát minh sáng chế (xem kĩ hơn ở phần sau).
Thứ ba, chính quyền
Hà Lan còn chủ ý lập ra một công ty tư nhân (được chính phủ tổ chức và
cung cấp tài chính) nhằm cạnh tranh với hai công ty tư nhân khác trong
quản lí đường sắt.
Hành động này rất hiếm thấy trong thời gian đó, và
mặc dù đây không phải là một chính sách tự do kinh doanh, nhưng nó vẫn
được coi là tiền thân của chính sách can thiệp hiện đại nhằm ủng hộ cạnh
tranh trong công nghiệp.
Trong giai đoạn tự do kinh doanh cực đoan nhất, kinh tế của Hà Lan lại
khá trì trệ, công nghiệp hóa diễn ra một cách hời hợt. Theo ước tính chính
thức của Maddison, (thu nhập thực tế tính bằng đôla, theo tỉ giá năm 1990),
năm 1820, mặc dù kinh tế Hà Lan đã suy giảm tương đối suốt một thế kỷ
trước, nhưng nó vẫn là nước giàu thứ hai thế giới sau Anh (Hà Lan là
1.561, trong khi Anh là 1.756 đôla). Tuy nhiên, một thế kỷ sau (1913), Hà
Lan chỉ xếp thứ bảy, sau Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, Thụy Sỹ và Bỉ,
hơn Đức một chút. Đáng chú ý là năm 1820, thu nhập bình quân đầu người
của Đức chỉ bằng 60% của Hà Lan (1.112 đôla so với 1.561 đôla), nhưng
đến năm 1913 thì Đức đã gần đuổi kịp Hà Lan (3.833 đôla so với 3.950
đôla). (Số liệu xem ở bảng 3.7 chương III).
Đó là nguyên nhân khiến cho sau Thế chiến II, Hà Lan đã áp dụng những
chính sách can thiệp rộng hơn. Một chính sách ngành nhằm can thiệp đã
được sử dụng, nhất là trong những năm trước năm 1963. Chính sách này
bao gồm nhiều biện pháp như hỗ trợ tài chính cho hai công ty lớn (một
công ty sản xuất thép và một công ty sản xuất nước giải khát), trợ cấp cho
quá trình công nghiệp hóa ở những vùng lạc hậu, khuyến khích đào tạo
công nghệ, phát triển ngành sản xuất nhôm thông qua trợ cấp khí đốt, và
xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.