2.2.7. Nhật Bản và các nước công nghiệp mới ở Đông Á
Nhật Bản bước vào vũ đài công nghiệp tương đối muộn. Mỹ đã buộc
nước này phải mở cửa vào năm 1854 (sau vụ bê bối “Con tàu đen”)
.
Mặc dù trước đó Nhật Bản đã biết tới thế giới châu Âu do có giao thương
với các thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan, nhưng khi giao lưu nhiều hơn
với các nước châu Âu, người Nhật Bản mới thật sự sốc trước sự lạc hậu của
đất nước mình. Ngay sau đó, chế độ phong kiến sụp đổ, và sau sự kiện
Phục hưng Minh Trị vào năm 1868, quá trình hiện đại hóa được thiết lập.
Kể từ đó, chính quyền Nhật Bản đã có vai trò quan trọng đối với quá trình
phát triển của đất nước.
Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, Nhật Bản không thể sử
dụng những chính sách bảo hộ thương mại, vì nước này bị buộc phải kí kết
một loạt hiệp ước bất bình đẳng vào năm 1858, không để cho thuế suất
vượt quá 5%. Ví dụ (bảng 2.1), thuế suất đối với hàng sản xuất ở Nhật Bản
năm 1875 là 5% trong khi ở Mỹ là 50% (mặc dù so với Anh, khoảng cách
về công nghệ của Mỹ nhỏ hơn của Nhật Bản). Vì thế, chính quyền Nhật
Bản đã phải sử dụng các biện pháp khác để thúc đẩy công nghiệp hóa, và
cho tới năm 1911 nước này mới giành lại được quyền tự quyết về thuế suất
của mình.
Do không có doanh nghiệp tư nhân, cũng giống như nước Phổ đầu thế kỷ
XIX (xem mục 2.2.3), Nhật Bản đã lập ra những doanh nghiệp nhà nước
kiểu mẫu (hay còn gọi là những “nhà máy thí điểm”) trong một số ngành
công nghiệp như đóng tàu, khai thác mỏ, dệt may (bông, len và lụa) và
công nghiệp quốc phòng.
Mặc dù sau đó phần lớn những nhà máy trên
đều được bán rẻ cho tư nhân, nhưng không có nghĩa là chính quyền không
tham gia vào công nghiệp nữa. Ví dụ, trong những năm 1870 và 1880, hầu
hết các xưởng đóng tàu của nhà nước đều được tư nhân hóa, nhưng sau đó
vẫn nhận được những khoản trợ cấp rất lớn của chính phủ. Trước năm
1924, cùng với ngành hàng hải, ngành đóng tàu được nhận từ 50 đến 90%
tổng trợ cấp của chính phủ. Nhà máy thép hiện đại đầu tiên (Nhà máy Thép
Quốc doanh Yawata) cũng do chính phủ xây dựng vào năm 1901.