Tại Vermont, nơi vừa bầu thành viên Đảng Xã hội là Bernie Sanders vào
Quốc hội, hơn hai nghìn người biểu tình đã làm ngắt quãng bài phát biểu
của Thống đốc tại tòa nhà tiểu bang; và ở Burlington, thành phố lớn nhất
của Vermont, 300 người biểu tình đã đi bộ qua khu vực trung tâm thành
phố, đề nghị các chủ cửa hàng đóng cửa để biểu thị tình đoàn kết.
Ngày 26 tháng 1, chín ngày sau khi cuộc chiến bắt đầu, hơn 150 nghìn
người diễu hành qua các con phố ở Washington D.C. và nghe các diễn giả
phản đối chiến tranh, trong đó có cả ngôi sao điện ảnh Susan Sarandon và
Tim Robbins. Một phụ nữ đến từ Oaklan, California, giơ lá cờ Mỹ cuộn
tròn được chuyển đến cho chị khi chồng hy sinh ở Việt Nam, nói: “Tôi đã
hiểu rằng không có vinh quang trong một lá cờ cuộn tròn như thế này.”
Các công đoàn lao động đã ủng hộ cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng sau khi
cuộc không kích bắt đầu ở Vùng Vịnh, 11 cơ quan đại diện của AFL-CIO,
trong đó có một vài công đoàn có tiếng nói quan trọng hơn, thuộc các ngành
thép, ôtô, truyền thông, công nhân hóa chất, đã phản đối chiến tranh.
Cộng đồng người da đen ít hào hứng hơn so với các cộng đồng khác về
những gì không lực Mỹ đang tiến hành ở Iraq. Một cuộc thăm dò dư luận
của ABCNews và Washington Post tiến hành đầu tháng 1 tháng 1991 cho
thấy 84% người da trắng ủng hộ chiến tranh, trong khi đó chỉ có 48% người
Mỹ gốc Phi ủng hộ cuộc chiến này.
Khi cuộc chiến diễn ra được một tháng, Iraq bị phá hủy do những cuộc đánh
bom liên tục, có vài đề nghị thăm dò từ Saddam Hussein rằng Iraq sẽ rút
quân khỏi Côoét nếu Mỹ ngừng không kích. Tổng thống Bush từ chối đề
nghị trên cũng như từ chối cuộc gặp của các lãnh đạo người da đen ở New
York, những người đã chỉ trích ông ta mạnh mẽ, gọi cuộc chiến tranh ở Iraq
là “một trò tiêu khiển trái luân lý, vô nhân đạo… một sự trốn tránh trách
nhiệm đối với người dân trong nước”.