Sau cuộc không kích Iraq cùng với việc “đánh bom” vào công luận, các
cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hành động của
Tổng thống Bush trong suốt 6 tuần của cuộc chiến. Nhưng liệu điều đó có
phản ánh chính xác những suy nghĩ lâu dài của người dân về chiến tranh?
Những cuộc bỏ phiếu riêng rẽ trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc
chiến cho thấy, công chúng vẫn cho rằng quan điểm của họ có thể có tác
động. Một khi chiến tranh xảy ra, trong một bầu không khí bị nhồi nhét với
lòng yêu nước, thì cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy rằng phần lớn nước Mỹ
sẽ tuyên bố ủng hộ hành động của Bush.
Tuy nhiên, thậm chí có rất ít thời gian để tổ chức khi cuộc chiến qua đi rất
nhanh, nhưng có một phe đối lập, chỉ là thiểu số, rất kiên định và có tiềm
năng phát triển. So với những tháng đầu tiên của cuộc leo thang quân sự tại
Việt Nam, phong trào phản đối Cuộc chiến Vùng Vịnh lan rộng với tốc độ
lạ thường và mãnh liệt.
Vào tuần đầu tiên của cuộc chiến, trong khi rõ ràng là phần lớn người Mỹ
đều ủng hộ hành động của Bush, vẫn có hàng chục nghìn người xuống
đường biểu tình ở các thành phố trên khắp nước Mỹ. Ở Athens, Ohio, hơn
100 người bị bắt khi họ xung đột với một nhóm ủng hộ chiến tranh. Tại
Portland, Maine, 500 người biểu tình, đeo dải băng tay màu trắng hoặc
mang cây thánh giá màu trắng với dòng chữ “Tại sao”, được viết bằng mực
đỏ.
Tại Đại học Georgia, 70 sinh viên phản đối chiến tranh đã cầu nguyện qua
đêm. Tại Cơ quan lập pháp Georgia, nghị sỹ Cynthia McKinnon đã có bài
phát biểu tấn công cuộc đánh bom Iraq, dẫn đầu nhiều nhà lập pháp khác
rời bỏ phòng họp. Bà có lý lẽ của bà, và dường như, ít nhất, đã có một số
thay đổi trong cách suy nghĩ kể từ khi nghị sỹ Julian Bond bị trục xuất khỏi
một cơ quan lập pháp tương tự vì đã chỉ trích cuộc chiến ở Việt Nam suốt
những năm 1960. Tại một trường trung học ở Newton, Massachusetts, 350