“Chúng tôi nợ Saddam một ân huệ. ông ta đã cứu chúng tôi thoát khỏi cổ
tức hòa bình.” (New York Times, ngày 2 tháng 3 năm 1991).
Tuy nhiên, ý tưởng về cổ tức hòa bình không dễ gì bị dập tắt chừng nào
nhiều người Mỹ còn trong cảnh khó khăn. Ngay sau cuộc chiến, nhà sử học
Marilyn Young cảnh báo:
Mỹ có thể phá hủy đường cao tốc của Iraq, nhưng không thể xây dựng
chúng cho chính mình; tạo điều kiện cho bệnh dịch ở Iraq, nhưng không
cung cấp các dịch vụ y tế cho hàng triệu người Mỹ. Mỹ có thể chỉ trích cách
Iraq đối xử với người Kurd thiểu số, nhưng không giải quyết được những
mối quan hệ sắc tộc trong nước; gây ra tình trạng vô gia cư ở nước ngoài
nhưng không giải quyết được vấn đề này ở Mỹ; để cho nửa triệu quân số
dùng ma túy tự do như một phần của cuộc chiến, nhưng khước từ tài trợ cho
việc điều trị hàng triệu con nghiện trong nước… Cuộc chiến này − chúng ta
sẽ thua sau khi chúng ta giành chiến thắng.
Năm 1992, những hạn chế của thắng lợi quân sự trở nên rõ ràng hơn trong
dịp kỷ niệm 500 năm Columbus đặt chân đến Tây bán cầu. Cách đây 500
năm, Columbus và đoàn tùy tùng của ông ta đã xóa sạch dân cư bản địa của
Hispaniola. Sau sự kiện này, trong suốt bốn thế kỷ tiếp theo, khi càn quét
lục địa này, chính phủ Mỹ lại tiếp tục tiêu diệt một cách hệ thống các bộ lạc
người Anh-điêng. Nhưng đến nay, vẫn còn sự phản ứng mạnh mẽ.
Người da đỏ − những người Mỹ bản xứ − đã trở thành một lực lượng hiện
hữu từ những năm 1960-1970, và trong năm 1992, họ và những người Mỹ
khác đã tổ chức phản đối các hoạt động kỷ niệm sự kiện 500 năm. Lần đầu
tiên trong lịch sử ngày Columbus, trên toàn nước Mỹ đã nổ ra các cuộc biểu
tình phản đối việc vinh danh một người đã bắt cóc, bắt làm nô lệ, giết hại…
người dân bản địa − những người đã đón chào ông ta với quà tặng và cả
tình bằng hữu.