tôn giáo nào đi nữa.” Giống như ở Anh, vấn đề Do Thái không được nêu ra.
Người Do Thái đơn giản đến, xây cất nhà cửa, hưởng các quyền công bằng,
và hình như được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử đầu tiên; họ cũng nắm
giữ các chức vụ chính phủ.
Họ bắt đầu định cư ở các khu vực khác, nhất là thung lũng Delaware và đảo
Rhode, là những nơi mà Roger Williams đã lập thành thuộc địa theo chủ
nghĩa tự do, không có bất cứ rào cản tôn giáo nào. Một số khó khăn xuất
hiện khi người Do Thái mong muốn có nghĩa trang riêng của họ ở New
York. Nhưng rồi vào năm 1677, một nghĩa trang của họ cũng được mở ở
Newport, đảo Rhode - sau này trở thành chủ đề của một trong những bài
thơ hay nhất của Longfellow - và New York cũng có một cái sau đó năm
năm. Năm 1730, Giáo đoàn Israel Shearith ở New York phong thánh cho
giáo đường đầu tiên của mình, và một giáo đường mới tuyệt đẹp được xây
ở Newport năm 1763, nay là một điện thờ quốc gia. Theo Đạo luật Hàng
hải Anh, buôn bán giữa các thuộc địa và nước mẹ chỉ dành cho công dân
Anh; và khi Nghị viện hoàng gia thông qua Đạo luật Nhập tịch cho các
thuộc địa Bắc Mỹ, người Do Thái được phép có quốc tịch bình đẳng với
người định cư Kitô, hai điều khoản được xóa bỏ nhằm giải tỏa các đắn đo
về người Do Thái. Vì thế, Peter Kalm người Thụy Điển, khi tới thăm New
York năm 1740, đã ghi lại rằng người Do Thái “hưởng mọi đặc quyền như
các cư dân khác của thành phố và tỉnh này.”
Chuyện tương tự diễn ra ở
Philadelphia, một thuộc địa Do Thái quan trọng bắt đầu lớn mạnh từ những
năm 1730 trở đi.
Vậy là người Do Thái Mỹ ra đời. Từ đầu họ đã không giống người Do Thái
ở bất kỳ nơi nào khác. Ở châu Âu và Á-Phi, nơi các rào cản tôn giáo giống
nhau về mặt hình thức nào đó, người Do Thái luôn phải thương lượng hoặc
yêu cầu được áp một tư cách đặc biệt. Điều này buộc họ phải hình thành
các cộng đồng cụ thể và thường do pháp luật quy định, dù họ định cư ở
đâu. Ở một mức độ nhất định, tất cả những cộng đồng Do Thái này đều tự
trị, dù điều kiện thực tế của người Do Thái có thể khốn khổ và rất nguy