Thay vào đó, tiếp theo là một giai đoạn căng thẳng trầm trọng gia tăng. Đây
là điều bất thường nhất dưới sự cai trị của Rome. Người La Mã điều hành
một đế chế tự do. Họ tôn trọng các thiết chế tôn giáo, xã hội và kể cả chính
trị của địa phương, miễn là điều này phù hợp với lợi ích thiết yếu của họ.
Đúng là cuộc nổi dậy hiếm hoi đã bị dập tắt bằng sức mạnh và sự khắc
nghiệt ghê gớm. Nhưng hầu hết các dân tộc Địa Trung Hải và Cận Đông
hưng thịnh dưới thời cai trị của La Mã, và cho rằng sự cai trị này ổn hơn
nhiều so với bất cứ thứ gì khác mà họ có thể có. Đây là quan điểm của sáu
triệu người Do Thái lưu vong hoặc nhiều hơn thế, vốn chưa từng gây ra cho
giới cầm quyền bất cứ rắc rối nào, trừ một lần ở Alexandria dưới tác động
của các sự kiện ở Palestine. Chắc chắn kể cả ở quê hương của người Do
Thái, nhiều người Do Thái, mà có lẽ là hầu hết, không coi người La Mã là
những kẻ đàn áp hay kẻ thù của tôn giáo. Nhưng một thiểu số đáng kể ở
Palestine trở nên bất đồng với kittim (người La Mã), và thỉnh thoảng họ sẵn
sàng mạo hiểm chấp nhận những hình phạt khủng khiếp luôn dành cho sự
thách thức bạo lực. Có một cuộc nổi dậy do Judas xứ Gamala dẫn đầu vào
năm 6 để phản đối chế độ cai trị trực tiếp được áp đặt sau cái chết của
Herod Đại đế. Có một cuộc nổi dậy khác vì những lý do tương tự, khi chế
độ cai trị trực tiếp được khôi phục sau cái chết của Herod Agrippa năm 44.
Cuộc nổi dậy này do một người tên là Theudas cầm đầu, ông đã dẫn đầu
một đám đông đi xuống Thung lũng Jordan. Có một cuộc nổi dậy thứ ba
vào thời người đại diện La Mã Felix (52-60), khi 4.000 người tụ tập trên
núi Olives với kỳ vọng rằng các bức tường của Jerusalem sẽ sụp đổ, giống
như của Jericho. Cuối cùng, có các cuộc nổi dậy lớn vào mấy năm 66 và
135, gây chấn động đế chế phía đông. Không có sự kiện nào tương đương
với chuỗi sự kiện này ở bất kỳ lãnh thổ nào đo Rome cai trị.
Tại sao người Do Thái lại luôn tranh đấu như vậy? Không phải vì họ là một
xã hội khó tính, hiếu chiến, bộ tộc và về cơ bản là lạc hậu, giống như người
Parthia vốn gây ra cho người La Mã những rắc rối liên miên ở phía đông,
hay như cách người Pathan và người Afghan gây rắc rối cho người Anh ở
biên giới tây bắc của Ấn Độ. Mà ngược lại, rắc rối thực sự với người Do