tựu, và coi thành tựu là dấu hiệu của phẩm chất, nhất là của những kẻ từng
yếu ớt và thấp kém. Cả Joseph lẫn Moses đều không có quyền thừa kế,
sống sót một cách chật vật thời thơ ấu và bị tổn thương thời trẻ; nhưng cả
hai đều có những phẩm chất Chúa ban để có được sự vĩ đại bằng nỗ lực của
chính mình.
Nhưng đến đó thì sự tương đồng chấm dứt. Joseph là mục sư-chính khách
lớn của một nhà cai trị ngoại bang, mô hình của nhiều người Do Thái trong
3.000 năm tiếp theo. Ông thông minh, nhanh nhẹn, mẫn cảm, giàu trí tưởng
tượng; một người mơ mộng, và hơn cả một người mơ mộng khi còn là một
người có khả năng sáng tạo để diễn giải các hiện tượng phức tạp, để dự báo
và tiên tri, để lên kế hoạch và quản lý. Ít nói, cần cù, có năng lực trong mọi
chuyện kinh tế và tài chính, làm chủ nhiều kiến thức bí hiểm, ông biết rõ
phải làm gì để phục vụ quyền lực và tận dụng nó thay mặt cho người của
mình. Như pharaoh nói với ông, “không có ai sáng suốt khôn ngoan được
như khanh.”
Joseph chiếm phần lớn trong Sáng thế ký, và ông rõ ràng làm
mê hoặc những người sao chép nó thời kỳ đầu, trước hết họ sắp xếp những
câu chuyện này lại rồi trộn chúng với nhau bằng nghệ thuật và sự đối xứng
đáng kể. Nhưng không có gì để nghi ngờ về tính chân xác lịch sử của ông.
Quả thực, một số sự kiện lãng mạn trong đời ông được ghi dấu ở văn học
Ai Cập. Vợ của Potiphar tìm cách quyến rũ ông nhưng ông từ chối, và
trong cơn nóng giận bà ta đã lăng mạ ông và đẩy ông vào tù. Đây là một
câu chuyện Ai Cập cổ có tên The Tale of the Two Brothers (Chuyện về hai
anh em), được viết trên giấy cói có niên đại từ năm 1225 TCN. Người nước
ngoài thường leo cao trong triều đình Ai Cập. Vào thế kỷ 14 TCN, sánh
ngang với sự nghiệp của Joseph là một người Semit tên là Yanhamu, cao ủy
Ai Cập trong đế chế dưới thời Pharaoh Akhenaten. Sau này, vào thế kỷ 13
TCN, thống chế trong triều đình Pharaoh Meneptah là một người Semit tên
là Ben Ozen.
Hầu hết các chi tiết Ai Cập trong câu chuyện về Joseph
dường như có thật.