khác thì bị SA đá đến chết trong một cuộc lục soát nhà ông ta. Nam tước
Louis Rothschild bị cảnh sát bắt giữ làm con tin cho đến khi gia đình đồng
ý bị tước đoạt tài sản với một mức giá thấp hơn nhiều so với bình thường.
Sau đó, Ngân hàng Dresdner đã viết thư cho tham mưu trưởng của
Himmler cảm ơn cảnh sát đã giúp đỡ giảm giá.
Quá trình tập trung người Do Thái, cắt đứt họ khỏi phần còn lại của dân cư
và buộc họ phải theo một chế độ hoàn toàn khác cũng kéo theo sự tham gia
của cả quốc gia. Đó là một quá trình rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi một
mức độ tàn bạo máu lạnh của hàng chục ngàn quan chức, nhẫn tâm gần
giống như quá trình giết hại cuối cùng. Hơn nữa, tất cả người Đức đều ý
thức được quá trình này. Một số quy định bài Do Thái không được đăng
trên báo chí. Nhưng mọi người đều có thể thấy rằng người Do Thái bị đối
xử khác biệt và thấp kém trong mọi lĩnh vực đời sống. Sau cuộc bạo động
Kristallnacht, luật về tình dục và hôn nhân trở nên ngày càng hà khắc và
được thi hành rất gắt gao. Người Do Thái nào bị bắt gặp “kết thân” với
người Aryan sẽ tự động được đưa tới một trại tập trung. Người Aryan đó
cũng có thể bị đưa tới trại tập trung để “giáo dục cải tạo” trong ba tháng.
Cùng lúc đó, vào tháng 11 năm 1938, người Do Thái bị trục xuất khỏi tất cả
các trường học, còn tàu hỏa, phòng chờ và nhà hàng thì được chia thành
các khu vực riêng biệt. Việc chuyển người Do Thái vào các khu dành riêng
cho họ cũng bắt đầu. Một vài trong những hành động này phù hợp với các
sắc lệnh tinh vi. Những hành động khác không hề có bất cứ cơ sở pháp lý
nào. Từ đầu chí cuối, cuộc chiến của Hitler chống người Do Thái là một sự
pha trộn rối rắm giữa luật pháp và vô luật pháp, giữa tính hệ thống và bạo
lực thuần túy. Chẳng hạn, từ tháng 12 năm 1938, Himmler giảm khả năng
cơ động của người Do Thái để hỗ trợ cho quá trình tập trung, đơn giản là
dùng quyền của mình để rút tất cả giấy phép lái xe Do Thái. Khi người Do
Thái bị tước đoạt tài sản, họ đổ đến các thành phố lớn. Các tổ chức cứu trợ
Do Thái cũng túng thiếu tương tự, không thể làm gì được. Thế nên, theo
một sắc lệnh tháng 3 năm 1939, những người Do Thái thất nghiệp bị ép đi
lao động khổ sai.