với một cuộc tấn công từ tất cả các quốc gia Ả-rập cùng lúc. Những cân
nhắc này đã quyết định ngân sách và thống trị quan hệ đối ngoại của quốc
gia mới.
Quả thực, trong 30 năm đầu tiên hình thành, 1948-1978, Israel phải chiến
đấu liên tục và đôi khi chóng mặt cho sự tồn tại của mình. Đình chiến tỏ ra
không có giá trị. Trong bảy năm đầu tiên đình chiến, hơn 1.300 người Israel
bị giết trong các cuộc đột kích của người Ả-rập, các cuộc phản công của
Israel nhằm vào các cơ sở khủng bố ngày càng dữ dội. Ngày 20 tháng 7
năm 1951, người cuối cùng trong những người Ả-rập ôn hoà, Vua Abdullah
của Jordan, bị ám sát. Ngày 23 tháng 7 năm 1952, chính quyền quân sự lật
đổ chế độ quân chủ Ai Cập, lập nên (ngày 25 tháng 2 năm 1954) chế độ
độc tài dân túy của Gamal Abdul Nasser, với quyết tâm hủy diệt Israel.
Stalin đã cắt đứt quan hệ với Israel vào tháng 2 năm 1953, một tháng trước
khi ông qua đời. Từ tháng 9 năm 1955 trở đi, với việc ký kết thỏa thuận vũ
khí Ai Cập-Tiệp Khắc, khối Xô Viết bắt đầu cung cấp một lượng vũ khí
hiện đại ngày càng lớn cho các lực lượng Ả-rập. Với sự đảm bảo an ninh từ
đồng minh mới này, Tổng thống Nasser khởi động một kế hoạch nhằm bóp
nghẹt và tiêu diệt Israel. Tuy việc làm này bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp
Quốc lên án vào tháng 9 năm 1951, nhưng Ai Cập vẫn luôn từ chối cho tàu
bè Israel quyền sử dụng kênh đào Suez. Từ năm 1956, Nasser từ chối cho
tàu bè Israel vào vịnh Aqaba. Tháng 4, ông ký một hiệp ước quân sự với Ả-
rập Saudi và Yemen, tháng 7 ông nắm giữ kênh đào Suez, và ngày 25 tháng
10 ông thành lập một bộ chỉ huy quân sự thống nhất với Jordan và Syria.
Cảm thấy thòng lọng đang siết quanh cổ, Israel liền tiến hành một cuộc tấn
công phủ đầu ngày 29 tháng 10, thả lính dù để chiếm giữ đèo Mitla ở Sinai.
Trong cuộc chiến chóng vánh diễn ra sau đó, kết hợp với lực lượng Anh-
Pháp đổ bộ lên khu vực kênh đào, Israel đã chinh phục toàn bộ Sinai, chiếm
Gaza, chấm dứt các hoạt động của fedayeen và mở toang tuyến đường biển
tới Aqaba.