La Mã xa xưa. Ở đây, người Do Thái giàu có sống gần như sát vách với
người nghèo nhất, như từ trước đến nay họ vẫn luôn vậy. Ba mươi gia đình
chủ chốt, Scuola Tempio, có thể lần theo dấu vết tổ tiên tới thời Hoàng đế
Titus 1.900 năm trước, khi họ được đưa tới Rome trong xiềng xích sau khi
Ngôi đền bị hủy diệt. Người Do Thái La Mã đã sống dưới cái bóng của nhà
thờ uy nghi. Giáo hội hết bóc lột, ngược đãi rồi lại bảo vệ họ. Họ đã tìm
cách vừa thách thức vừa hoà nhập với Giáo hội, nên giáo đường chính của
họ ở Lungotevere Cenci, ngay bên ngoài cánh cổng của ghetto cũ, là một
thực tế rất ấn tượng về phong cách Ba-rốc nhà thờ Ý. Ở đó, tháng 4 năm
1986, Giáo hoàng John Paul II đã trở thành giáo hoàng đầu tiên tới dự một
buổi lễ giáo đường, cùng với Giáo sĩ trưởng của Rome lần lượt đọc các bài
thánh thi. Giáo hoàng nói với giáo đoàn Do Thái: “Các bạn là những người
anh em vô cùng yêu quý của chúng tôi, và theo một nghĩa nào đó thì các
bạn là những người anh của chúng tôi.” Ý định là tốt, tuy việc nhấn vào
chữ “anh” là hơi quá.
Ở Pháp, giai đoạn hậu chiến chứng kiến sự phát triển không thể phủ nhận
về cả số lượng lẫn sức mạnh. Tại đây, Đức Quốc xã và đồng minh Vichy đã
giết 90.000 trong tổng số 340.000 dân Do Thái trước chiến tranh, và thảm
kịch này còn tồi tệ hơn khi biết rằng cộng đồng bản địa lâu đời và có mức
độ đồng hóa cao của Pháp đã ít nhiều phối hợp trục xuất người tị nạn.
Nhưng tổn thất này được bù đắp đáng kể nhờ một làn sóng khổng lồ người
nhập cư Sephardi đến từ thế giới Hồi giáo trong ba thập niên sau chiến
tranh: 25.000 từ Ai Cập, 65.000 từ Morocco, 80.000 từ Tunisia và 120.000
từ Algeria, cũng như số lượng ít hơn đến từ Syria, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kết quả là cộng đồng Do Thái Pháp tăng gấp đôi lên trên 670.000 người,
trở thành cộng đồng Do Thái lớn thứ tư thế giới.
Sự mở rộng nhân khẩu học này diễn ra cùng với một sự thay đổi văn hóa
sâu sắc. Cộng đồng Do Thái Pháp đã luôn là những người theo chủ nghĩa
đồng hóa nhiệt thành nhất, đặc biệt vì Cách mạng Pháp đã cho phép họ
đồng cảm gần như hoàn toàn với các thiết chế cộng hoà. Cách hành xử tàn