ấy và các giám đốc nhà băng của thợ thuyền đều bị bắt. Các nghiệp đoàn
khác không có sự phản ứng nào.
Hitler quyết định tổ chức ngày lễ “Lao động quốc gia” vào 1-5. Những
người lãnh đạo các nghiệp đoàn tự do, theo xu hướng xã hội hay Thiên chúa
giáo đều được mời tiếp xúc thân thiện nhưng cương quyết. Người ta yêu
cầu họ phải cho người tham dự vào cuộc biểu tình do đảng Reich tổ chức
trong ngày lễ đầu tiên ấy của chế độ mới. Hitler ca tụng tình đoàn kết thợ
thuyền, sự thống nhất người lao động trong tình anh em quốc gia. Đây chỉ
là một hành động xã hội, không mang tính chất chính trị, mà chỉ là ngày hội
hòa giải. Người lao động tham dự vào ngày lễ này vẫn được trả tiền công
như một ngày làm việc bình thường. Và tất cả những ai tham dự đều được
thưởng một khoản tiền và một bữa ăn.
Đây là tính ngây thơ hay sự hèn hạ? Ai có thể xét đoán được điều đó.
Nhưng các nghiệp đoàn đã chấp nhận.
Ngày 1-5, một triệu người lao động đã tập trung trên quảng trường
Tempelhofer Feld. Hitler đọc bài diễn văn “hùng hồn” cổ vũ khối đông thợ
thuyền và cầu xin Thượng đế.
Lúc 10 giờ sáng ngày hôm sau, các đơn vị S.A, cảnh sát đã chiếm lấy
các trụ sở của các nghiệp đoàn, nhà cửa của dân chúng, các tờ báo, các hợp
tác xã, nhà băng của nghiệp đoàn và những chi điếm khác.
Một sắc lệnh do Goering ký ngày 26-4 thành lập Gestapo ở Phổ và lần
đầu tiên hành động dưới cái tên mới này ở Berlin.
Các chủ nghiệp đoàn, đã được lên danh sách từ nhiều ngày trước, đều bị
bắt ngay tại nhà hay tại nơi ẩn trốn. Những tàng thư, những khoản tiền ở
nhà băng của các nghiệp đoàn bị thu giữ, kể cả những tài sản cứu tế và quán
ăn của họ.
Cùng ngày hôm ấy “Ban hành động bảo vệ việc làm Đức” do tiến sĩ Ley
chỉ đạo, đã nắm lấy quyền điều hành các nghiệp đoàn, buộc họ lệ thuộc vào
các chi bộ nhà máy của đảng Reich.
Có những tổ chức đã tập hợp được tới sáu triệu người và lợi tức hàng
năm đạt tới 184 triệu Mác, cũng bị thanh trừng không dám có một sự chống
đối nhỏ nào.