Sơn Nam
Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam
Nhận xét tổng quát
Đồng bằng sông Cửu Long, Ménam và Irraouaddi là ba trung tâm sản xuất
lúa gạo, có dư để xuất cảng, quan trọng nhứt trên thế giới. Việt Nam,
Xiêm, Miến Điện gồm đa số dân sống bằng nghề nông. Ba quốc gia này
liên ranh, nằm trong khu vực gió mùa với những nét lớn giống nhau :
— Lãnh thổ phát triển lần hồi từ Bắc xuống Nam.
— Biết làm ruộng cấy ở đồng sâu, nhờ đó mà sản lượng đạt mức cao so với
ruộng tỉa ở đất khô.
— Mức sống thấp kém.
Nam tiến không phải là mãnh lực huyền bí của riêng dân tộc Việt Nam.
Những dân tộc chịu ảnh hưởng ấn độ vẫn đạt được kỹ thuật cày sâu cuốc
bẫm không kém nước ta. Việc tôn thờ rắn thần và rồng để cầu mưa, vài
môn giải trí như thả diều, trai gái đối đáp nhau nào phải chỉ xảy ra ở Việt
Nam.
Dân Việt gặp dân Miên vốn có nền văn hóa cổ kính khá cao. Vào thế kỷ 13,
người Miên đã tìm ra giống lúa và dẫn thủy nhập điền thích ứng giúp họ
thâu hoạch 3 hoặc 4 vụ trong một năm. Cuộc Nam tiến của người Xiêm,
người Miến Điện gặp hoàn cảnh khá tốt về địa lý, hai con sông Ménam và
Irraouaddi thuận lợi cho việc thông thương, trong khi Hồng Hà và sông
Cửu Long có nhiều thác đá. Từ hạ lưu sông Hồng, dân Việt len lỏi theo
mấy cánh đồng nhỏ bé dọc theo bờ biển Đông nhiều giông tố để lần hồi
đến hạ lưu sông Đồng Nai, sông Cửu Long.
Tuy là đặt chân trên đất Cao Miên nhưng đối thủ đáng nể của người Việt đi
khẩn hoang lại là người Xiêm đang nuôi tham vọng đô hộ vùng Vạn
Tượng, Cao Miên và Mã Lai. Xiêm quốc lúc bấy giờ đang thời hưng thịnh,
với tướng giỏi, quân sĩ có kinh nghiệm về chiến đấu đường bộ và đường
thủy.
Người Việt đã giữ được thế chủ động trong hoàn cảnh gay go.
Khi đặt chân ở đồng bằng sông Cửu Long, nước Việt bị chia cắt từ sông