Họ chịu đựng mọi cực hình, song không ai khai báo hoặc nhận bừa những
điều bị vu khống. Nhờ đó, “vụ âm mưu” được giải toả, Tút tu cũng được
“giải oan”.
Trong những ngày bị khủng bố thê thảm nhất, tù nhân càng đoàn kết, yêu
thương nhau hơn. Địch bắt đầm đá đều 1 nhịp, anh em tổ chức đầm theo 2
nhịp, ba nhịp giống như kiểu giã gạo chày đôi, chày ba để mỗi người có thể
được nghỉ 1 nhịp hoặc 2 nhịp. Gác dang Pháp thường hay đánh đập vào
cuối bữa đuổi tù nhân vào khám khi chưa kịp ăn hết khẩu phần cơm ít ỏi.
Anh em đã thống nhất với nhau, đồng loạt vào ăn, ăn xong hết mới cùng
đứng dậy, mặc cho chúng đánh.
Có bữa cụ Võ Oanh bị chúng đánh lủng đầu. Máu chảy đỏ ròng, cụ vẫn
điềm nhiên ngồi ăn, không thay đổi sắc mặt. Những lần khổ sai hoặc điểm
danh, cụ thuộc số người bị đánh nhiều nhưng không khi nào cụ cúi đầu hay
tỏ cử chỉ run sợ. Cụ còn động viên anh em một cách khéo léo rằng: “Đừng
thấy chúng đánh tôi mà mất tinh thần. Chúng đánh tôi, cốt là để khủng bố
tinh thần anh em đó”. Cụ là một trong những tấm gương khích lệ lòng can
đảm, giữ vững khí tiết và nhân cách của tù kháng chiến thời ấy.
Qua cuộc khủng bố quy mô lần này của bọn quản ngục, tù kháng chiến
nhận thức rõ việc xây dựng tổ chức vững vàng chắc để đoàn kết, lãnh đạo
khối tù nhân là công việc cấp bách. Một bộ phận cứu trợ tù nhân đã nhen
nhóm và bí mật hoạt động qua 2 đầu mối quan trọng là anh Phạm Gia - “tù
áo trắng” làm thư ký Kho Bạc và anh Trần Duy Giang, làm thư ký ở văn
phòng Giám đốc. Nhiều tù nhân ở Nhà Thương, Sở Củi, Nhà Đèn đã gửi
phiếu tiền công lao động khổ sai cho hai anh để mua đường, sữa tiếp tế cho
anh em ở Khám tứ hình và Hầm xay lúa. Thêm vào đó là đồ tiếp tế mà số
anh em tù áo trắng đã vận động được ở những thầy chú, gác dang có cảm
tình.
Cuối năm 1946, ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ liên lạc, gửi
tiền và quà đến tay anh em tù Côn Đảo nhờ sự giúp đỡ của linh mục
Nguyễn Văn Mầu. Việc tiếp tế và các tổ chức của tù nhân có điều kiện định
hình và phát triển mạnh hơn trước.