Toàn bộ công việc làm thuyền do Mười Bù và 2 thường phạm đảm
nhiệm. Tay lái thiện nghệ của “vua vượt ngục” Mười Bù đã đưa thuyền cập
đúng mũi Cà Mau sau 2 ngày, 3 đêm trên biển. Mười Bù giác ngộ, trở thành
một chiến sĩ can đảm trong lực lượng võ trang và hy sinh anh dũng trong
cuộc kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ.
Chưa đầy một tháng sau, nhóm kéo cây do Lê Quỳnh Vân, Nguyễn Năng
Tảo và Lâm Quang Xuân lại tổ chức vượt đảo bằng thuyền khung mây bọc
vải. Chuyến này có 4 tù thường phạm làm Rờsẹc cạnh bãi Cỏ Ống và 12 tù
chính trị ở Sở kéo cây. Ngày 2-2-1948, các anh xuống thuyền ở bãi Cỏ Ống
và cặp vào vùng biển thuộc huyện Giá Rai (Bạc Liêu) an toàn.
Ngày 2 tết Mậu Tý (11-2-1948), 7 tù chính trị ở Sở Bản Chế do Nguyễn
Việt Hùng tổ chức đã cướp chiếc canô duy nhất ở Côn Đảo vượt ngục về
Cà Mau. Nguyễn Việt Hùng còn có bí danh là Hùng Vịt tức Nguyễn Văn
Thịnh, tức Mười Thái, nguyên là cán bộ công vận hoạt động ở Sài Gòn từ
1944. Bị đày ra Côn Đảo từ ngày 5-8-1947, Việt Hùng cùng một số tù trẻ
có chí hướng vượt ngục tìm đến Năm Nghĩa ở Sở Củi học hỏi kinh nghiệm.
Khi được làm thợ máy trên chiếc canh Poulo - Condore, anh đã chuẩn bị
một kế hoạch cướp canô vượt đảo.
Mồng 2 tết năm ấy, có 2 tàu tuần tiễu của Pháp ghé Côn Đảo. Sau khi
chở đám sĩ quan, thủy thủ Pháp lên bờ xem kịch và dự tiệc, Nguyễn Việt
Hùng được lệnh chuẩn bị xăng nhớt và trực đêm để đón chúng về tàu. Thừa
dịp ấy anh đã đưa cả nhóm là Nguyễn Công Lý, Cù Trung Sơn, Nguyễn
Văn Thước, cùng các anh Đệ, Miên, Niên xuống canô về đất liền. Chiều 4
tết, các anh cặp vào đúng mũi Cà Mau.
Noi gương tù vượt ngục ở Sở Bản Chế, tù nhân Sở Lưới trên đường sang
Hòn Tài bắt vích đã bắt trói chủ sở Machiơ (Mathieu) cùng một lính Pháp
và một tù binh Nhật Bản (lái canh) vứt lên bãi cát rồi trở về đất liền.
Chuyến ấy do các anh Chánh, An, Đạt và một tù nhân nữa thực hiện.
Giám đốc Brơylê tỏ ra hoang mang trước các cuộc vượt ngục liên tiếp
xảy ra. Trong phúc trình số 93-C ngày 20-3-1948, y đã viện dẫn nhiều lý do
khiến cho nhà tù bất lực trước các cuộc vượt ngục. Đó là tỷ lệ tù chính trị