hàng trăm sĩ quan, thủy thủ vây quanh boong tàu. Vợ chồng Bruylê cùng
vợ chồng quan tư hải quân Mêniê tại Côn Đảo cũng có mặt.
Mở đầu đêm kịch, thay cho lời chào mừng, anh Lương Văn Thắng, một
nạn nhân trong vụ Côngplô đã đọc bài diễn văn tố cáo chế độ nhà tù tàn
bạo và nghiệt ngã. Anh khẳng định rằng tù kháng chiến là những người yêu
nước, cầm súng bảo vệ nền độc lập của dân tộc mình, giống như những
người Pháp Đờ Gôn chống phát xít Đức, không bao giờ là quân phiến loạn
như bản án mà thực dân Pháp đã gán cho họ. Vậy mà bọn chúa ngục Côn
Đảo đã đối xử với họ dã man hơn cả phát xít Đức đối với tù binh Pháp.
Bôlae không chịu nổi, đứng dậy cắt ngang lời Lương Văn Thắng:
– Các ông là những kẻ phiến loạn, đốt nhà, cướp của, giết người. Các
ông không có quyền so sánh với những người Pháp yêu nước.
Tình thế mở ra một cuộc đối thoại lý thú giữa người tù kháng chiến và
Cao ủy Pháp. Lương Văn Thắng hỏi Bôlae:
– Vậy xin hỏi ngài, hành động của một thiếu niên yêu nước Việt Nam
ném lựu đạn vào quân Pháp có khác gì hành động tương tự của một thiếu
niên Pháp đối với bọn phát xít Đức?
Bôlae trơ trẽn trả lời:
– Khác chứ. Bọn phát xít Đức xâm lược nước Pháp, còn nước Pháp có
trách nhiệm bảo hộ và khai hoá cho đất nước này!
Lương Văn Thắng bồi tiếp:
– Báo chí Đức dưới thời Pêtanh cũng nói với nhân dân Pháp như thế!
Bôlae cứng lưỡi, đỏ mặt tía tai, đập bàn đứng dậy. Giám đốc Bruylê hầm
hầm ra lệnh cho bọn lính áp tải còng tay đoàn diễn viên đưa vào cấm cố
ngay đêm diễn khi họ còn nguyên cả y phục, phấn son. Hôm sau, hắn tuyên
bố phạt mỗi người một tháng xà lim, còng chân, ăn cơm nhạt, uống nước
lã.
“Đêm kịch Bôlae” nổi tiếng không phải ở thành công của sân khấu nghệ
thuật mà là dũng khí của người chiến sĩ, người nghệ sĩ trước kẻ thù. Bằng