Các trại giam và các sở tù
Dưới con mắt của bọn thực dân, Côn Đảo là một nơi lý tưởng, có khả
năng đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đối với một nhà tù. Chúng cho rằng,
Côn Đảo bốn bề trời biển mênh mông, cách đất liền gần trăm hải lý, không
có phương tiện, người tù khó bề trốn thoát. Người ở bên ngoài cũng không
có cách nào cứu thoát người tù. Ở hải đảo xa xôi này những người cách
mạng sẽ bị cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, xã hội, với phong trào cách
mạng và quần chúng nhân dân, không thể hoạt động gì được.
Côn Đảo là một quần đảo hoang vắng, không như nhà tù ở các điểm dân
cư lớn trong đất liền như Hỏa Lò ở Hà Nội, Khám Lớn ở Sài Gòn, cho nên
ở đây có thể thi hành những biện pháp đàn áp dã man, tàn bạo nhất, người
tù có đấu tranh mạnh mẽ tới đâu đi nữa cũng không thể gây được ảnh
hương gì. Bọn cai ngục có thể thẳng tay giết hại người tù mà không ai hay
biết. Chẳng thế, bọn thực dân đã đe dọa: “Ra Côn Đảo mà hò la cho sóng
biển nghe!”, “Ra Côn Đảo mà đấu tranh với cá mập!”.
Côn Đảo là nơi dân cư thưa thớt, nguồn lợi thiên nhiên phong phú. Muốn
khai thác vùng đất này phải đưa nhân công từ nơi khác đến, cho nên dùng
sức tù nhân ở đây thì thật là thích hợp.
Nhận rõ vị trí đặc biệt của Côn Đảo, thực dân Pháp đã sớm quyết định
xây dựng nhà tù đầu tiên ở Đông Dương trên quần đảo này, nhằm:
– Cách ly những phần tử chống đối chính sách cai trị của thực dân, nguy
hiểm và có hại đối với an ninh ở thuộc địa;
– Dùng chế độ tù đày khắc nghiệt để hành hạ, giết dần giết mòn người tù,
đè bẹp ý chí phản kháng của họ, răn đe những người còn ở ngoài đời, làm
cho họ khi ra tù thì tinh thần bạc nhược, khiếp sợ, thân thể tàn phế, không
còn dám làm gì chống lại “mẫu quốc” và chế độ thống trị ở thuộc địa;