hoạt. Nếu đủ điều kiện bảo đảm cho toàn đảo thì đi toàn đảo, không đủ điều
kiện thì đi bộ phận. Nếu không có tàu ra thì phải trù liệu các phương tiện
trên đảo, các vật liệu hiện có để gấp rút đóng thuyền bè. Sau khi võ trang
bạo động sẽ cử một đội cảm tử ở lại không chế đài vô tuyến phát tín hiệu an
toàn theo định kỳ liên lạc để Sài Gòn không nghi ngờ. Đội cảm tử sẽ trở về
sau bằng chiếc ca nô của đảo, khi một phần lớn tù nhân đã về đất liền. Đảo
ủy cũng dự kiến trước những tình huống trắc trở vì gió không sòng, vì tàu
không ra hay vì lực lượng xung kích đánh không gọn thì sẽ chỉ đi một bộ
phận, để bảo vệ an toàn cho những người ở lại.
Một vấn đề đặt ra và day dứt nhất trong lãnh đạo là khi nổ ra võ trang
bạo động, tất nhiên sẽ có tổn thất, hy sinh; vượt ngục tất yếu có thành, có
bại. Đảo ủy đã chỉ đạo công tác chuẩn bị thật chu đáo, giáo dục các chiến sĩ
tinh thần quyết tâm, quả cảm nhưng hết sức thận trọng và kỷ luật. Nếu phải
chết vì bàn tay vấy máu của kẻ thù thì can đảm hy sinh như một người lính
trên chiến trường, nhưng không được phép sơ xuất để đưa mình vào con
đường tự sát.
Những yêu cầu khắt khe ấy đã đặt trọng trách lên những người có vai trò
lãnh đạo. Đồng chí Văn Hiến, Bí thư Đảo ủy được bố trí vào kíp làm đường
ở đầu Mom để trực tiếp chỉ đạo. Văn Hiến là người thận trọng, chín chắn,
việc gì cũng tìm hiểu thâu đáo, phân tích có lý, có tình. Phan Du, tổng chỉ
huy lực lượng võ trang toàn đảo được bố trí ở kíp Đầm để trực tiếp chỉ đạo
lực lượng xung kích và quyết định tình thế khi khởi sự. Phan Du là người
rất kiên quyết trong hành động. Bên cạnh Phan Du còn có Hoàng Tiễn, chỉ
huy phó lực lượng vũ trang toàn đảo, đồng thời là đại đội trưởng Đại đội
quyết thắng - lực lượng xung kích ở Đầm.
Phạm Quý Tuyển vừa là đại diện, phụ trách địch vận, đồng thời là một
cán bộ quân sự, chỉ huy trưởng đại đội xung kích thứ 2 của tù binh ở đầu
mũi Cá Mập. Bên cạnh đó còn có Lê Mai, Lưu Trí Viễn trong Đảo ủy cùng
Lê Văn Ngọ, một đồng chí cũ dày dạn kinh nghiệm cùng họp thành “Bộ tư
lệnh tiền phương” của cuộc võ trang giải thoát. Anh Tụng, nguyên Chủ tịch
huyện An Dương - Hải Phòng; anh Triển, nguyên Phó chủ tịch huyện Tứ